Kon Tum: Yêu cầu công khai, minh bạch về quy hoạch

(Xây dựng) – Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu công khai, minh bạch về cung cấp thông tin quy hoạch, các cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng.

Kon Tum: Yêu cầu công khai, minh bạch về quy hoạch
Thành phố Kon Tum sẽ phát triển theo hướng 03 đường vành đai và 06 vùng phát triển.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thực hiện nghiêm các quy định công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong đó, tăng cường công khai, minh bạch về cung cấp thông tin quy hoạch, các cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, kết quả giải quyết đơn thư, thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách, tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân được tham gia giám sát việc triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 08/02/2024, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 69/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040.

Theo đó, thành phố Kon Tum sẽ phát triển theo hướng 03 đường vành đai và 06 vùng phát triển, cụ thể: Vành đai 1, Khu đô thị hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); Vành đai 2, Khu phát triển mới; Vành đai 3, Khu vực phát triển các động lực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Vùng 1, Khu phát triển mới (đô thị mới phía Bắc); Vùng 2, Khu trung tâm hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); Vùng 3, Khu phát triển mới phía Đông; Vùng 4, Khu phát triển mới (đô thị mới phía Nam); Vùng 5, Khu nông thôn phía Đông; Vùng 6 Khu nông thôn phía Tây. Các vùng phát triển đều lấy khu vực dọc dòng sông Đăk Bla làm trục không gian cảnh quan chủ đạo.

Theo đó, khu vực mở rộng đô thị phía Bắc gồm: Khu đô thị phía Tây Bắc với quy mô khoảng 1.959,42ha, thuộc các phường: Ngô Mây, Quang Trung và xã Vinh Quang. Là khu vực làng xóm đô thị hóa, mở rộng phát triển đô thị của thành phố. Khu đô thị phía Bắc với quy mô diện tích khoảng 5.604,70ha, thuộc các phường: Ngô Mây, Duy Tân, Trường Chinh và xã Đăk Cấm. Là khu trung tâm hành chính của thành phố, phát triển khu ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh, thương mại dịch vụ khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố; cụm công nghiệp và đất dự trữ phát triển của thành phố.

Khu trung tâm hiện hữu (Khu cải tạo, chỉnh trang) với quy mô khoảng 1.141,75ha, thuộc các phường: Quyết Thắng, Quang Trung, Trường Chinh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Duy Tân. Là nơi tập trung dân cư mật độ cao. Bố trí các trung tâm chính trị – hành chính cấp tỉnh, cấp thành phố và trung tâm thương mại – dịch vụ, tổ hợp du lịch – thể thao tạo nên một đô thị tập trung tổng hợp đa chức năng. Thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực dân cư hiện hữu. Điều chỉnh một số khu vực chức năng nhằm tái thiết xây dựng các chức năng mới phù hợp với định hướng chung của toàn khu vực.

Khu vực mở rộng đô thị phía Đông với quy mô khoảng 581,94ha, thuộc các phường: Thắng Lợi, Trường Chinh và xã Đăk Rơ Wa. Là khu ở mật độ thấp và khu đô thị sinh thái kết hợp thể dục thể thao.

Khu vực mở rộng đô thị phía Nam gồm: Khu vực phát triển mới – khu đô thị hai bên bờ sông Đăk Bla với quy mô khoảng 5.218,02ha, thuộc các phường: Thống Nhất, Thắng Lợi và các xã: Đăk Rơ Wa, Chư Hreng. Là khu trung tâm hành chính của tỉnh, khu ở mới dọc sông Đăk Bla gắn với phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao. Khu vực đô thị phía Nam với quy mô diện tích khoảng 2.185,26ha, thuộc các phường: Nguyễn Trãi, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo. Là khu ở gắn với phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích