Kon Tum và Quảng Ngãi: Lãng phí tài nguyên nước là lãng phí nguồn điện

Thuỷ điện đóng góp 30 – 40% nguồn thu ngân sách

Đơn kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Điều tiết Điện lực, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Điện lực Kon Tum, Điện lực Quảng Ngãi.

Tại Kon Tum, đang giữa mùa mưa nên lưu lượng nước về các hồ thủy điện duy trì ở mực nước tốt. Tuy nhiên, một lượng nước nhất định không chảy qua tuabin các nhà máy để phát điện, gây lãng phí nguồn tài nguyên nước. Lý do, nhiều nhà máy không được huy động hết công suất phát điện, trong khi cả nước vẫn đang thiếu điện.

Các doanh nghiệp kiến nghị, gồm Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Bla, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà 3 – Đak Lô, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Glei, Công ty TNHH Gia Nghi, Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện Đức Bảo, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh, Công ty TNHH Trung Việt, Công ty cổ phần Thủy điện ĐăkRơSa, Công ty cổ phần Tấn Phát, Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk PIU 2, Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đăk Psi.

daklo-21
Nhà máy Thủy điện Sông Đà 3 – Đak Lô. Ảnh: Songda3daklo. 

Theo đó, từ tháng 3/2023 đến nay, các thuỷ điện vừa và nhỏ (được huy động theo cơ chế chi phí tránh được) thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được Công ty Điện lực Kon Tum huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện.

“Các nhà máy không tự ý phát vượt công suất vì lo bị ngành điện sa thải. Nguyên nhân phát vượt công suất thiết kế là do lưu lượng nước về tuabin tăng đột biến, thời tiết mưa nhiều ở vùng núi”, anh Q. – một chủ thuỷ điện cho biết.

Việc ngành điện tiết giảm công suất gây khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại cho các chủ đầu tư, làm lãng phí nguồn tài nguyên nước, cũng là nguồn thu ngân sách cho tỉnh Kon Tum (nguồn thu thuỷ điện chiếm 30 – 40% nguồn thu ngân sách cho tỉnh).

Để tránh lãng phí tài nguyên nước trong khi cả nước đang thiếu điện, nhiều vùng bị hạn hán, để bổ sung cho nguồn điện giá rẻ, đại diện các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ ở Kon Tum kiến nghị được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép.

Tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870MW. Năm 2022, các nhà máy thủy điện trên địa bàn đóng góp 1.200 tỉ đồng cho ngân sách địa phương, riêng các thủy điện vừa và nhỏ là 330 tỉ đồng.

Giá mua điện thủy điện rẻ hơn so với điện gió, mặt trời, nhiệt điện

Tương tự tỉnh Kon Tum, nhiều chủ nhà máy thuỷ điện tại tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa làm đơn kiến nghị tập thể, đó là Công ty cổ phần Thuỷ điện Nước Trong, Công ty TNHH MTV Năng lượng SOVICO Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần HP…

Toàn cảnh hồ chứa nước Nước Trong.
Toàn cảnh hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Nước Trong. Ảnh: Thuydiennuoctrong.

Tài nguyên nước là nguồn điện năng mang lại doanh thu để trả vốn vay ngân hàng. Nhưng hiện các chủ thuỷ điện đành bất lực nhìn dòng nước cuồn cuộn về xuôi trong khi không sử dụng hết công năng vốn có của nước. Việc các nhà máy thuỷ điện không phát huy hết công năng, hiệu suất thiết kế với nguồn nước dồi dào sẽ làm lãng phí tài nguyên nước, dẫn đến hậu quả giá điện tăng cao, người dân khó tiếp cận được nguồn điện giá rẻ.

Anh H., một chủ nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Ngãi, chia sẻ: “Vào mùa mưa như hiện nay, giá điện của nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ chỉ có 706 đồng/1KW điện. Trong khi các nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, điện khí, nhiệt điện thì có giá rất cao, từ 1.800 – 4.600 đồng/1KW. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá điện bán cho người dân lên cao”.

Từ đó, tập thể các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum và Quảng Ngãi đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung xem xét, trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện, hoặc không ảnh hưởng tới an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép, nhất là tình trạng bối cảnh thiếu điện như hiện nay.

Do lòng hồ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, gần như không chứa được nhiều nước, nên lúc mưa lớn là nước thường xuyên qua tràn xả thừa khi phát điện ở giờ thấp điểm cũng như giờ cao điểm, nhất là vào mùa mưa gây lãng phí tài nguyên nước để phát điện, làm giảm hiệu quả cho các nhà đầu tư, đồng thời làm thất thu ngân sách cho các địa phương.

Để có thể khai thác tối đa nguồn thủy năng này, các cơ quan quản lý Nhà nước và ngành Điện cần xem xét, cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát huy tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích