Kon Tum: Từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn
Theo đó, mục tiêu nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh Kon Tum; Từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum phù hợp với trình độ phát triển, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng của tỉnh, hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể đến năm 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu có 60% kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống; Phấn đấu hàng năm có khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh có đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm và có sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên;
Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học và công nghệ của tỉnh thành Trung tâm dịch vụ khoa học và công nghệ hàng đầu, đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ một số công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để chuyển giao cho các doanh nghiệp áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh; Hỗ trợ hình thành cơ sở ươm tạo, tổ chức khoa học và công nghệ tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ có thế mạnh của đơn vị.
Ảnh minh họa.
Đến năm 2030, phấn đấu có trên 70% kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống; Phấn đấu hàng năm có khoảng 15% doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh có đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm và có sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên; Hình thành 01 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường.
Về nhiệm vụ và giải pháp, thứ nhất, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; Thứ hai, thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; Thứ ba, thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học và công nghệ; Thứ tư, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; Thứ năm, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường khoa học và công nghệ.
An Hạ