Kon Tum: Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

Kon Tum: Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành liên quan đến hoạt động khoáng sản.

tm-img-alt
hình ảnh mình họa

Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt; Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.

UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong đó,UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công suất khai thác của dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó lưu ý đối với mỏ cát, sỏi, vàng gốc. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là đối với hành vi khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, thực hiện không đúng nội dung giấy phép khai thác khoáng sản, gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Trường hợp phát hiện xảy ra tình trạng sạt lở phải dừng ngay hoạt động khai thác và triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục.

Đồng thời giám sát thường xuyên hoạt động khai thác, chế biến, định kỳ 6 tháng một lần kiểm tra việc sử dụng hóa chất để tách chiết vàng; nghiêm cấm sử dụng natri xyanua trong việc tách, chiết vàng từ quặng khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp như sau:

UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

Chỉ đạo UBND cấp huyện đề xuất kế hoạch; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương theo định mức chi ngân sách do Bộ Tài chính hướng dẫn;

Chỉ đạo UBND cấp huyện, xã; các cơ quan chuyên môn; phối hợp với các lực lượng Quốc phòng, Công an ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gọi chung là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép) trên địa bàn;

Tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và đưa vào Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản hàng năm;

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn địa phương mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

– UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có trách nhiệm:

Chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo UBND cấp tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

Trước ngày 15/12 hàng năm gửi UBND cấp tỉnh báo cáo về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương;

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

– UBND cấp xã có trách nhiệm:

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn/bản/xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa;

Định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích