Kon Tum hỗ trợ người dân trồng sâm Ngọc Linh bị thiệt hại

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh này đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi và kịp thời hướng dẫn UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei xử lý các vấn đề liên quan quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh theo quy định; hạn chế tối đa việc cây sâm Ngọc Linh bị bệnh và chết như trong thời gian vừa qua.

Sâm Ngọc Linh bị sâu bệnh hại. Ảnh T.T
Sâm Ngọc Linh bị sâu bệnh hại. Ảnh T.T.

UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei chủ động làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh này để được hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ cho người dân có sâm Ngọc Linh bị thiệt hại theo quy định và phù hợp với thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phối hợp UBND hai huyện trên xem xét có giải pháp hỗ trợ xử lý nợ bị rủi ro đối với các khách hàng vay vốn tín dụng chính sách để trồng cây Sâm Ngọc Linh theo quy định.

Chủ động liên hệ làm việc với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô để học tập kinh nghiệm phương pháp trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh đảm bảo sinh trưởng tốt và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc và phát triển sâm Ngọc Linh.

Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô phối hợp cùng với UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có giải pháp cung ứng giống sâm Ngọc Linh với giá hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn khắc phục thiệt hại và trồng mới đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh giao năm 2022.

20220613_115810_molb
Cây sâm Ngọc Linh bị bệnh hại. Ảnh: SGGP. 

Trước đó, ngày 7/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, qua thống kê đến thời điểm đó có khoảng 50.000 cây sâm Ngọc Linh bị bệnh hại. Trong đó, số lượng cây sâm bị bệnh hại tại huyện Đăk Glei là hơn 10.000 cây và huyện Tu Mơ Rông hơn gần 40.000 cây.

Trung bình mỗi cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi giá trị từ 200.000 – 300.000 đồng/cây. Với số lượng cây chết nhiều như vậy thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng đối với người nông dân ở hai huyện miền núi này.

Người dân trồng sâm Ngọc Linh chủ yếu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội từ 50 – 100 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng, nhân giống sâm Ngọc Linh, với hy vọng thoát đói nghèo. Tuy nhiên, việc cây sâm Ngọc Linh bị bệnh và chết hàng loạt trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu nhập của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích