Kon Tum: Đề xuất các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

(Xây dựng) – Nhận thấy được tiềm năng trong việc phát triển thương mại biên giới và lợi thế từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y – nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và có bản sắc văn hóa đặc trưng lâu đời của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Với những lợi thế có gần 300 km đường biên với 2 nước bạn Lào và Campuchia; có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y – nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông – Tây… nên Kon Tum có thế mạnh phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực về: giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics, kinh tế biên mậu, du lịch; nông nghiệp giá trị cao.

Kon Tum: Đề xuất các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y tại tỉnh Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Bên cạnh đó, việc sở hữu những sản phẩm đặc thù như cà phê, cao su, hạt mắc-ca, sâm Ngọc Linh, cây dược liệu; năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời… Kon Tum có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế thương mại vùng biên. Những năm qua, nhận thấy nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể khai thác, tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, đặc biệt tổ chức các hoạt động hội chợ thương mại biên giới, hội thảo tuyên truyền quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 09 tháng 6 năm 2021, tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Kon Tum, trong đó xác định: Thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương các bên; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Kon Tum: Đề xuất các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y
Một phiên chợ hàng Việt về huyện biên giới Ngọc Hồi.

Nhận thấy được tiềm năng trong việc phát triển thương mại biên giới vào việc giao thương hàng hóa, tỉnh Kon Tum cũng đã quan tâm chú trọng các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nhằm đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Thời gian tới, Theo quy hoạch của UBND tỉnh Kon Tum, sẽ thành lập thêm 2 chợ biên giới là Chợ biên giới cửa khẩu phụ Đăk Long (Đồn Biên phòng Rơ Long) và chợ biên giới cửa khẩu phụ Đăk Blô (Đồn Biên phòng Sông Thanh).

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, ông Huỳnh Quốc Trung nhận định, đơn vị đang hết sức nỗ lực để giao thương và kinh tế biên giới của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế riêng có.

Bên cạnh đó, việc tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động kinh doanh, thương mại biên giới, giao thương trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang được tỉnh quan tâm và chú trọng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đề xuất các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích