Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
“Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022” dự kiến diễn ra trong 03 ngày từ 16 – 18/11/2022 tại Quảng trường 16/3 và khuôn viên sân nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum.
Dự kiến tại Hội thi, các đội văn nghệ đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum sẽ tham gia xây dựng chương trình nghệ thuật trình diễn các tiết mục: Cồng chiêng, xoang; hòa tấu các nhạc cụ truyền thống kết hợp cùng cồng chiêng; các làn điệu dân ca truyền thống được đệm bằng cồng chiêng; tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu…
Hội thi sẽ giới thiệu, quảng bá du lịch Kon Tum, tổ chức, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…
Hội thi sẽ có sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân đến từ 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum – Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết, Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất năm 2022 được tổ chức với mục đích đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời, tạo môi trường giao lưu, lan tỏa, kế thừa sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Qua đó, tôn vinh, quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng đến với du khách, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế du lịch.
Tại Hội thi, các đội văn nghệ đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ tham dự 2 nội dung:
Nội dung thứ nhất: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống và chỉnh âm cồng chiêng. Ở phần thi này các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống mỗi đội được tham gia xây dựng một chương trình nghệ thuật trình diễn các tiết mục: Cồng chiêng, xoang.
Nội dung thứ 2: Hòa tấu các nhạc cụ truyền thống kết hợp cùng cồng chiêng; Các làn điệu dân ca truyền thống được đệm bằng cồng chiêng; Tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu, trong đó, cồng chiêng giữ vai trò quan trọng.
Ở phần thi chỉnh âm cồng chiêng, các đoàn tham gia hội thi lựa chọn các nghệ nhân am hiểu về kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng tại địa phương mình để tham gia trình diễn những kỹ thuật, kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng của dân tộc tại Hội thi.
Sở VHTTDL là cơ quan thường trực của Ban tổ chức chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu ban hành các văn bản liên quan và tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch đạt hiệu quả; phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh việc thành lập Ban tổ chức Hội thi. Bên cạnh đó, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ về nội dung, chuyên môn liên quan công tác tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số lần thứ nhất năm 2022 ở cấp xã, huyện. Tham mưu ban hành Quy chế Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất, năm 2022. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ý nghĩa là sợi dây kết nối của tình đoàn kết thông qua việc luyện tập, giao lưu, biểu diễn cồng chiêng và đây cũng là cách để trao truyền cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Ngày hội là hoạt động văn hóa có mục đích đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Qua đó, tôn vinh, quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng đến với du khách, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế du lịch.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị