Kịp thời hỗ trợ an sinh cho học sinh, giáo viên

Sẻ chia khó khăn

Với quyết tâm không để người lao động nào bị bỏ lại, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động, trong đó có đội ngũ CBGVNV.

Chị Trương Thị Thu Hiền (giáo viên Trường Mầm non Đức Trí, quận Hà Đông) cho biết: “Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường nên từ đầu tháng 5/2021, tôi phải nghỉ dạy. Là giáo viên ngoài công lập nên nghỉ dạy đồng nghĩa với việc tôi không có lương. Tôi lại đang nuôi con nhỏ, không có điều kiện làm thêm nên mấy tháng qua không có nguồn thu nhập nào, cuộc sống rất khó khăn”.

Kịp thời hỗ trợ an sinh cho học sinh, giáo viên
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” mang những “Túi An sinh Công đoàn” hỗ trợ CBGVNV thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thế rồi, thông qua Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, chị Hiền đã được nhận hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo gói hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền trên 4,7 triệu đồng. Hôm được nhận trợ cấp, chị Hiền xúc động bộc bạch: “Sự quan tâm của các cấp chính quyền Thành phố thật kịp thời, đúng lúc. Số tiền này giúp tôi có thêm nguồn trang trải sinh hoạt trong thời gian vẫn còn phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo và mong muốn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như tôi cũng được hưởng sự quan tâm này”.

Cùng với Thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ CBGVNV có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vừa qua, những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đã lăn bánh, đi trao quà cho đoàn viên, người lao động, trong đó có CBGVNV gặp khó khăn, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, đồ hộp, dầu ăn…

Bày tỏ niềm cảm kích trước sự quan tâm, sẻ chia từ tổ chức Công đoàn, chị Nguyễn Thị Hoàn (giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi là giáo viên dạy hợp đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 4 tháng qua tôi không có lương. Trong khi đó, chồng tôi cũng phải tạm ngừng công việc kinh doanh vì Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Hai vợ chồng không có nguồn thu nhập, lại phải chăm lo cho 2 con nhỏ và tiền thuê trọ mỗi tháng nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, nhận được quà từ tổ chức Công đoàn, tôi rất vui và hạnh phúc. Món quà tuy không lớn về vật chất nhưng mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, động viên tôi và gia đình vượt qua khó khăn hiện tại”.

Không giấu được sự xúc động, chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ (giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên, quận Hà Đông) cho biết: “Khi thực hiện chủ trương của Thành phố trong việc thực hiện giãn cách xã hội, không chỉ riêng bản thân giáo viên tư thục chúng tôi phải nghỉ việc mà những người thân trong gia đình cũng phải ở nhà, không có việc làm khiến cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ Liên đoàn Lao động Thành phố, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Sự sẻ chia này khiến những khó khăn, vất vả của chúng tôi được san sẻ rất nhiều, qua đó tiếp thêm niềm tin, nghị lực để CBGVNV nhà trường cùng nhau vượt qua khó khăn, an tâm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để cuộc sống sớm trở lại bình thường như trước đây”.

Kịp thời hỗ trợ an sinh cho học sinh, giáo viên
Tập đoàn CMC ủng hộ 3.600 máy tính bảng để hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến.

Không chỉ dành sự quan tâm cho đội ngũ CBGVNV, nhiều giải pháp cũng đã được triển khai nhằm giúp đỡ học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm động lực giúp các em cố gắng vươn lên học tập tốt.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp bắt buộc khi học sinh không thể đến trường. Tuy nhiên, ở một số địa bàn của Thành phố, vẫn còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu thiết bị để học trực tuyến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và chỉ đạo của thành phố Hà Nội “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, ngay sau Khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ủng hộ thiết bị đã sử dụng hoặc chưa sử dụng (gồm máy tính, laptop, điện thoại thông minh, ipad…) để hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến.

Ngày 15/9, gần 3.700 bộ máy tính, 10.000 sim data truy cập Internet miễn phí đã được các tổ chức trong và ngoài ngành trao tặng để gửi tới những học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến. Cụ thể: Tập đoàn CMC ủng hộ 3.600 máy tính bảng; VNPT Hà Nội trao tặng 10.000 sim data truy cập Internet miễn phí trong năm 2021; các Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân và Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa ủng hộ gần 100 bộ máy tính bàn và máy tính bảng mới… Trước đó, ngay trong tuần đầu năm học, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã quyên góp được 2.345 thiết bị để trao cho các em học sinh kịp thời học trực tuyến.

Xúc động khi biết tin cậu con trai Nguyễn Tiến Mong (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Cự Khê, huyện Thanh Oai) nhận được thiết bị học tập, anh Nguyễn Hữu Hạnh (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi làm đủ nghề từ cắt cỏ, chẻ củi đến phụ vữa, đập phá bê tông, chuyển đất… nhưng cũng không đủ sức để nuôi 3 con ăn học. Từ khi xảy ra dịch bệnh rồi giãn cách xã hội, cuộc sống gia đình đã vất vả lại càng thêm nhọc nhằn. Suốt mấy tháng qua, mưa, nắng, sớm, tối, cháu Mong vẫn đến nhà bạn để học nhờ. Nay nhận được sự giúp đỡ, tôi không biết nói gì hơn. Tôi sẽ luôn nhắc nhở cháu giữ gìn thiết bị để học tập tốt”.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài các chính sách chung, thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đặc thù cho người lao động gặp khó khăn. Đặc biệt, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, quyết định sẽ hỗ trợ cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trong những nhóm đối tượng được bổ sung, có 3 nhóm đối tượng liên quan đến các cơ sở giáo dục.

Kịp thời hỗ trợ an sinh cho học sinh, giáo viên
Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

Để giảm gánh nặng cho gia đình học sinh, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương về việc giảm 50% học phí cả năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài). Để thực hiện chủ trương này, Thành phố dự kiến sẽ chi từ nguồn ngân sách gần 900 tỷ đồng. Khoảng 1,3 triệu trẻ em mầm non và học sinh các cấp học dự kiến sẽ được hưởng chính sách này. Chủ trương mang đậm tính nhân văn, tiếp thêm động lực để thầy, trò nhà trường tiếp tục nỗ lực vượt khó, duy trì dạy tốt, học tốt.

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung đánh giá tác động của chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy; chỉ đạo Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài xem xét có chính sách giảm học phí cho học sinh năm học 2021-2022.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có đội ngũ CBGVNV và học sinh. Để không ai bị bỏ lại phía sau, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình các CBGVNV, học sinh trong diện F0, F1, diện bị cách ly, phong tỏa; các CBGVNV học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kịp thời hỗ trợ…

Thời gian tới, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát, hỗ trợ CBGVNV, học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch; tuyên truyền, giám sát giúp CBGVNV được nhận hỗ trợ từ chính sách của Thành phố; đẩy mạnh phong trào “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến…/.

Thảo Phạm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích