Kính viễn vọng không gian James Webb đã tới quỹ đạo mong muốn

NASA nêu rõ sau 1 tháng được phóng vào không gian, Webb đã đến điểm đích, tại vị trí quỹ đạo ổn định giữa Trái Đất và Mặt Trời, được gọi là Điểm Lagrange 2 (L2).

kinh vien vong khong gian james webb da toi quy dao mong muon
Kính viễn vọng không gian James Webb.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 24/1 thông báo kính viễn vọng không gian James Webb đã tới đích đến cuối cùng sau gần một tháng kể từ khi được phóng vào vũ trụ, cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km.

NASA nêu rõ sau 1 tháng được phóng vào không gian, Webb đã đến điểm đích, tại vị trí quỹ đạo ổn định giữa Trái Đất và Mặt Trời, được gọi là Điểm Lagrange 2 (L2).

Theo nhà khoa học Eric Smith của NASA, lực hấp dẫn của Trái Đất và Mặt Trời ở điểm L2 sẽ giữ kính viễn vọng ở quỹ đạo, song cần thêm lực đẩy rocket để giữ cho kính thiên văn không bị trôi dạt. Vị trí này cũng bảo vệ kính thiên văn khỏi nguồn nhiệt tỏa ra từ Mặt Trời, Trái Đất và cả Mặt Trăng.

Từ vị trí “đắc địa” trong không gian, kính thiên văn James Webb sẽ dõi theo đường “hào quang” đặc biệt, luôn thẳng hàng với Trái Đất, trong khi Trái Đất và kính viễn vọng sẽ xoay quanh Mặt Trời ở vị trí song song, giúp sóng vô tuyến không bị gián đoạn.

Trung tâm điều hành cũng đã bắt đầu tinh chỉnh mặt gương chính của kính – được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác với chiều ngang 6,5m, lớn hơn rất nhiều so với gương của kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble.

Kích thước và thiết kế của kính James Webb chủ yếu giúp kính hoạt động trong vùng hồng ngoại quang phổ, cho phép Webb có thể nhìn qua các đám mây khí và bụi, quan sát các vật thể ở vị trí xa hơn.

Những tính năng này được kỳ vọng sẽ mở ra cuộc cách mạng trong thiên văn học, khám phá các thiên hà (galaxy) trẻ có niên đại 100 triệu năm sau vụ nổ Big Bang – mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai hình thành vũ trụ, quay ngược thời gian và giải đáp cho nhân loại các câu hỏi về vũ trụ.

Đặc biệt, kính thiên văn James Webb được thiết kế để tìm kiếm các dấu hiệu về môi trường sống khả thi xung quanh các ngoại hành tinh mới được phát hiện, đồng thời giúp quan sát các hành tinh quen thuộc như sao Hỏa hay Mặt Trăng Titan của sao Thổ. Ngoại hành tinh là các thiên thể quay quanh các ngôi sao xa xôi.

Các nhà khoa học sẽ mất vài tháng để chuẩn bị trước khi triển khai đầy đủ hoạt động thiên văn của kính James Webb. Cụ thể, họ phải căn chỉnh 18 mảnh gương để đạt được tiêu điểm chính xác và quá trình này có thể mất đến 3 tháng để hoàn thiện. Sau đó, các đội ngũ mặt đất sẽ kích hoạt máy quang phổ, máy ảnh của đài quan sát và các thiết bị khác, song cũng mất thêm 2 tháng để hiệu chỉnh những chức năng này.

Dự kiến, kính thiên văn James Webb có thể bắt đầu quan sát vào mùa Hè năm nay, với những hình ảnh đầu tiên để chứng minh các bộ phận đã hoạt động chính xác.

Kính thiên văn không gian James Webb là “thế hệ sau” của kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble. Đây là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy.

Nó lớn đến mức NASA phải gấp lại để lắp kính vào tên lửa. Đặc biệt, kính thiên văn James Webb có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời là 1,5 triệu km tính từ Trái Đất, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 610km kể từ năm 1990.

Kính thiên văn này được đưa lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Ariane 5, từ bãi phóng ở Guiana (Pháp) vào ngày 25/12/2021./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích