Kinh tế vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng khá
Dẫn đầu tăng trưởng GRDP vùng Đông Nam Bộ (gồm TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) là Bà Rịa – Vũng Tàu với mức tăng 11,47%. Đây là mức tăng cao nhất 10 năm gần đây, đứng thứ 4 cả nước. Hầu hết lĩnh vực kinh tế đều ghi nhận kết quả tốt hơn so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 16,1%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,07%; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 13,14%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 19,61%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 39,68%; kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng tương ứng 9,35% và 7,28%. Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký khoảng 1,907 tỷ USD vốn FDI và 34.751 tỷ đồng vốn trong nước, gấp khoảng 3,2 lần so cùng kỳ năm 2023.
Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2024 cao nhất vùng Đông Nam Bộ. |
Tại TP.HCM, GRDP 9 tháng năm 2024 tăng tăng 6,85%; trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,46%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 6,62%, khu vực nông nghiệp giảm 0,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47%. Tuy mức tăng quý 3/2024 cao hơn 6 tháng đầu năm 2024 nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Điều này càng khó khăn hơn trong quý 4/2024 khi Thành phố phấn đấu tăng 9,5% để kéo cả năm đạt mức tăng 7,5%.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân TP.HCM, kết quả trên cho thấy tình hình kinh tế vẫn phục hồi tích cực. Tuy nhiên, tăng trưởng Thành phố chưa tăng đột phá, chưa có cú huých đủ lớn, nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến các hoạt động khác như thu hút vốn ngoài Nhà nước, xây dựng, bất động sản….
Còn theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GRDP của địa phương này tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu cả năm 2024 là từ 6,5-7%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,35%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61%, khu vực dịch vụ tăng 7,7%, thuế sản phẩm tăng 7,07%. Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,24%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 58,4%, khu vực dịch vụ chiếm 24,57%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,79%.
Tại Bình Dương, GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 7,05%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,11%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, khu vực dịch vụ tăng 7,42%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm vụ tăng 6,95%. Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024 của tỉnh Bình Dương, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 65,24%, khu vực dịch vụ chiếm 24,77%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,31%.
Trong khi đó, GRDP 9 tháng năm 2024 của tỉnh Bình Phước tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,46%, khu vực dịch vụ tăng 7,4%, khu vực lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,21%. Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự dịch chuyển giữa các khu vực theo xu hướng khu vực công nghiệp – xây dựng ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn (43,59%), kế đến là khu vực dịch vụ (30,53%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (22,43%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (3,46%).
Tương tự, GRDP tỉnh Tây Ninh trong 9 tháng năm 2024 đạt 7,86% so cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng cao nhất ở khu vực công nghiệp – xây dựng (11,30%); kế đến là khu vực thương mại dịch vụ (6,95%), khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng (3,63%), phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (3,34%). Về cơ cấu kinh tế của tỉnh Tây Ninh, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất (46,20%), kế đến là khu vực dịch vụ (30,42%), khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản (18,97%) và phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm (4,41%).
Nguồn: Báo lao động thủ đô