Kinh tế Việt Nam vững niềm tin tiến bước

Kinh tế Việt Nam vững niềm tin tiến bước
Năm 2023, dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế – xã hội Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đạt tốc độ tăng trưởng tốt tạo đà bứt phá cho năm 2024.

“Câu chuyện tăng trưởng kỳ diệu chưa kết thúc”

Đây là nhận định được tổ chức Oxford Economics nhấn mạnh trong “Dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu” công bố tháng 12/2023. Các chuyên gia nhận định, nhờ các chính sách cải cách kinh tế thành công nên GDP của Việt Nam luôn tăng trưởng cao, vượt tất cả các nước trong khu vực. Năm 2023, mặc dù con số tăng trưởng có giảm so với mức trung bình trước đại dịch là 7%, nhưng đây chỉ là trong ngắn hạn. Tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của Việt Nam dự báo sẽ còn tăng, khiến GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục vượt trội so với các nước trong ASEAN, cho đến ít nhất là năm 2030.

Trong khi đó, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 đã phục hồi mạnh mẽ. Tổng vốn đăng ký đạt gần 36,61 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD. Đây là mức giải ngân kỷ lục kể từ trước tới nay.

Có thể thấy, nước ta bước vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt; khi chúng ta vừa bước ra khỏi đại dịch, tình hình thế giới có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khiến cho khó khăn thậm chí còn nhiều hơn so với cơ hội và thuận lợi.

Để đạt được thành tựu như trên là kết quả của tinh thần quyết tâm vượt khó, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực chung của toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã rất chủ động và quyết liệt đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng giai đoạn cụ thể; vừa kiên định, kiên trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra. Qua đó giúp nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà phục hồi và phát triển, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn…

Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam năm qua giống như người đi trong bão, và rất tự hào khi chúng ta đã thành công vượt qua những “cơn gió ngược”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất bình tĩnh, điều hành, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Các bộ, ngành bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến, phản ứng chính sách kịp thời; chủ động các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả.

Đồng hành vượt sóng gió

Năm 2023, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn. Theo báo cáo của Chính phủ, trong nửa đầu năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 rút khỏi thị trường. Thời điểm cuối quý I/2023, lần đầu tiên xảy ra tình trạng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số mới tham gia và quay trở lại.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều hành giảm lãi suất, mỗi lần từ 0,5 – 2%/năm. Việc giảm trần lãi suất huy động và điều hành là “bước đi quan trọng”, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường. Trong năm, khi giá điện tăng tới hai lần và tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên trên diện rộng vào dịp hè gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, nguy cơ thiệt hại cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ sau đó kịp thời chỉ đạo và xử lý, nhanh chóng ổn định tình hình.

Kinh tế Việt Nam vững niềm tin tiến bước
Với sự quyết liệt trong công tác điều hành của Chính phủ và các địa phương, năm 2023 kinh tế Việt Nam vẫn để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 80 với nhiều điểm mới, mục tiêu là làm minh bạch hóa thị trường xăng dầu, đảm bảo ổn định nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất; hay Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Bên cạnh việc ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí, Chính phủ cũng đã trình phương án và được Quốc hội thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1/7 đến cuối năm 2023.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhất là với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ đã luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đặc biệt, tháng 4/2023, với việc ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các giải pháp xử lý những khó khăn vướng mắc trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, cả trước mắt và lâu dài.

Những quyết sách được cho là vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, trước mắt, vừa tính tới các vấn đề chiến lược, lâu dài; xử lý các vấn đề vi mô, nhưng cũng đồng thời giải quyết căn bản các vấn đề lớn, những điểm nghẽn, bất cập của nền kinh tế.

Để các chính sách kinh tế vận hành trơn tru, đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, né trách nhiệm trong giải quyết công việc.

“Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước năm 2023.

… Năm Quý Mão đã khép lại. Những điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua sẽ tạo đà tăng trưởng mới. Chúng ta có niềm tin để kỳ vọng về một bức tranh tươi sáng hơn cho năm mới Giáp Thìn 2024.

Nữ Quỳnh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích