Kinh tế Việt Nam thiệt hại 37 tỷ USD sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19

Kinh tế Việt Nam thiệt hại 37 tỷ USD sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19

MTĐT –  Chủ nhật, 05/12/2021 19:54 (GMT+7)

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng, vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để nhanh chóng tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương cho biết trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng, vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để nhanh chóng tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết.

tm-img-alt
Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, 2 năm gây thiệt hại 37 tỷ USD

Sáng 5/2, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam, trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho biết qua tính toán ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế là rất nặng nề.

Với giả thiết nếu như năm 2020 và 2021 không có đại dịch Covid-19 xảy ra thì GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 chỉ tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến chỉ tăng 2,5%.

“Tổng cộng hai năm qua, thiệt hại khoảng 507.000 tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD”, ông Phong nói.

Để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam cần tìm ra các biện pháp, cách thức để nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng. Do đó, cần tìm ra động lực cho những tăng trưởng chính đối với nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP vượt khoảng 200%.

Theo ông Phong, khả năng mở rộng tăng cung cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư. Vì thế, các động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế hiện nay là đầu tư để vừa tăng cầu và cũng vừa tăng sản lượng tiềm năng. Tức là mở rộng khả năng cung ứng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất, tiêu dùng và đầu tư có hiệu quả.

“Đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại”, ông Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng việc khuyến khích tiêu dùng đầu tư nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức thì sẽ làm giảm tiết kiệm và qua đó giảm đầu tư hoặc làm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu.

Cùng với đó, Việt Nam nên hạ thấp lãi suất ngân hàng, cần có gói kích thích kinh tế cũng như tái lập được cung ứng lao động để phục cho các sự hồi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam thiệt hại 37 tỷ USD sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải)

Tại diễn đàn, đánh giá về những cơ hội của Việt Nam khi triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, ông Francois Painchaud, trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho biết để có thể tận dụng các cơ hội phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cần phải đảm bảo ổn định vĩ mô về cả tài khóa cũng như tiền tệ.

Theo đó, ông Francois Painchaud cho rằng từ kinh nghiệm ứng phó dịch Covid-19, Việt Nam đã rút ra bài học đẩy mạnh đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, tiến hành các chương trình hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức. Các chương trình này cần được đẩy mạnh nhân rộng, tiến hành kịp thời hơn, quyết liệt hơn và làm cho dễ tiếp cận hơn nữa.

“Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ còn gặp những thách thức mới, vậy nên cần có cơ chế để ứng phó với những khó khăn này”, ông nói.

Đánh giá về cơ hội, trưởng đại diện IMF nhận xét Việt Nam có cơ hội lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần đầu tư dài hạn vào chuyển đổi nền kinh tế, cải thiện kỹ năng, nâng cao kết nối, số hóa, xây dựng Chính phủ điện tử để Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn.

Hiện nay, Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức ngang tầm với các nước trong khu vực, cần phải tham gia các công đoạn thêm giá trị gia tăng, đẩy mạnh hiệu quả thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cải thiện hiệu suất lao động ở cả khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

“Việt Nam đã có nền tảng để cải cách cơ cấu, hiện nay là thời điểm phù hợp để triển khai một cách khẩn trương hơn nữa”, ông Francois Painchaud nói.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích