Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà phục hồi, tăng trưởng tốt

Việt Nam đang chứng kiến triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong thời gian tới. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn được kỳ vọng tích cực. Tuy nhiên, rủi ro vẫn cần được quan sát chặt chẽ.

Bức tranh tươi sáng hơn

Bất chấp sóng gió, những đánh giá mới nhất từ các tổ chức quốc tế cũng như dự báo từ một số đơn vị trong nước đều cho rằng, Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm mới 2024 sau khi vượt qua khá ngoạn mục năm 2023 khó khăn.

Thậm chí, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá sẽ cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong top cao toàn cầu. Nền kinh tế đang có cơ hội bứt phá hơn bao giờ hết khi vừa nâng cấp mối quan hệ với hai đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng như có độ mở kinh tế rất cao, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương.

Trong một báo cáo đánh giá vừa công bố hôm 11/1, Ngân hàng HSBC cho rằng kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững vàng sau khi ghi nhận mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 5,1%. Tổ chức này kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc lên 6% trong năm 2024.

Theo HSBC, Việt Nam sẽ lấy lại xu hướng tăng trưởng thông thường. Trong năm mới, một trọng tâm chính sách của Việt Nam chính là tác động của thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% – nhằm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được kỳ vọng tích cực. Đây là lĩnh vực, HSBC đánh giá, Việt Nam liên tục vượt trội so với các nước.

Trên thực tế, tín hiệu tích cực đã bắt đầu tư quý IV/2023 với mức tăng trưởng GDP trở lại mức cao 6,7% (so với cùng kỳ). Lĩnh vực sản xuất đã chứng kiến sự cải thiện đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm 2023 so với sự trì trệ trong nửa đầu năm.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà phục hồi, tăng trưởng tốt
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đứng thứ hai ASEAN.

Xuất khẩu tăng trưởng gần đạt mức hai con số trở lại trong quý IV/2023, phần lớn là nhờ xuất khẩu hàng điện tử gia tăng.

Bán lẻ, vận tải và lưu trú đã hồi phục mạnh trong quý IV, qua đó đẩy lĩnh vực dịch vụ trong quý IV/2023 tăng trưởng hơn 7%. Lượng khách quốc tế tăng mạnh, phục hồi gần 80% so với năm 2019.

Năm 2024, Việt Nam hướng đến thu hút 18 triệu du khách, tăng so với mức 12,6 triệu của năm 2023, phục hồi hoàn toàn như năm 2019. Điều này đồng nghĩa Việt Nam cần nỗ lực hơn để thu hút du khách Trung Quốc, vốn là nguồn khách lớn nhất, chiếm tới 30% tổng du khách của Việt Nam.

Đây chính là một điểm tối trong du lịch năm vừa qua. Du khách Trung Quốc lại chưa trở lại Đông Nam Á đông như kỳ vọng. Việt Nam cũng đang vấp phải sự cạnh tranh căng thẳng từ nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà phục hồi, tăng trưởng tốt
Việt Nam có dư địa thu hút khách Trung Quốc. (Nguồn: HSBC)

Theo HSBC, điều may mắn là Việt Nam đã tận dụng vị thế là một “thỏi nam châm” thu hút FDI, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ lớn, nhằm trang bị đào tạo về công nghệ cao cần thiết cho lực lượng lao động. Chú trọng vào giáo dục cũng là một trọng tâm quan trọng. Việt Nam nổi bật trong bảng xếp hạng toàn cầu về kết quả đánh giá học sinh quốc tế, chỉ đứng sau Singapore ở khu vực ASEAN.

Một năm 2024 đầy kỳ vọng nhưng còn rủi ro

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế lớn, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 sẽ cao thứ hai khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới – World Bank (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,5%, xếp thứ hai khu vực ASEAN, chỉ thấp hơn so với Philippines (được dự báo ở mức 5,8%). Trong khi đó, Ngân hàng UOB cho rằng Việt Nam sẽ tăng 6%, thấp hơn mức dự báo 6,5% của Philippines. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) IMF dự kiến GDP Việt Nam sẽ tăng 5,8%, cũng chỉ thấp hơn mức 5,9% của Philippines.

Chứng khoán KBSV dự báo GDP Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 6%.

So với thế giới, tăng trưởng của Việt Nam cũng rất cao. WB dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,4% trong năm nay, so với mức 2,6% trong năm 2023, 3% trong năm 2022.

Chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2024 là xuất khẩu, FDI…

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nhận định, Việt Nam vẫn đang có lợi thế trong thu hút FDI ngay cả khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax – GMT). Việt Nam có chi phí nhân công chưa bằng phân nửa Trung Quốc nhưng chất lượng nhân công tương đương.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà phục hồi, tăng trưởng tốt
FDI vẫn là điểm sáng trong năm 2023 và triển vọng tích cực trong 2024. (Nguồn: HSBC)

Theo ông Michael Kokalari, sở dĩ GMT không đáng lo ngại về khả năng hút FDI của Việt Nam bởi vì, ưu đãi thuế không phải là động lực chính để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào một quốc gia đang phát triển, mà họ cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí, chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, độ mở của môi trường kinh doanh…

Ông Michael Kokalari chia sẻ, ở các nước phát triển, các yếu tố trên là gần như tương đồng, nên thuế trở thành yếu tố quan trọng hơn để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư, so với khi họ cân nhắc đầu tư ở các nước đang phát triển.

Về nguồn FDI, HSBC nhận thấy có một xu hướng thú vị, rất đáng chú ý. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng. Thực tế, 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đại lục đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tính chung, Trung Quốc chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023.

VinaCapital cho rằng, năm 2024 sẽ là một năm nền kinh tế Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện.

Có thể thấy, thuận lợi là rất lớn, đặc biệt là những thỏa thuận với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, theo các tổ chức, rủi ro vẫn cần được quan sát chặt chẽ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích