Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng cao

Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III đạt 7,4%, là mức cao hơn kỳ vọng trong bối cảnh một số địa phương của các tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi. Tính chung 11 tháng, tổng vốn FDI đăng ký khoảng 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%; khách quốc tế khoảng 15,8 triệu lượt người, tăng 41%. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 và 2025 của Việt Nam so với trước đó.

Chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tăng GDP quý IV đạt khoảng 7,4 – 7,6%, cả năm 2024 đạt trên 7%; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025. Bảo đảm ổn định thị trường, giá cả hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm…, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Khẩn trương hoàn thiện các Nghị quyết 01, 02 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng trong xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thu hút nguồn vốn xã hội, thúc đẩy tăng trưởng.

Giá cả hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm… cần được đảm bảo (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để có chính sách phù hợp, với mục tiêu tăng trưởng trên 7%. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phải giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng tín dụng cả năm 15%, kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Trong “Báo cáo kinh tế quý III – Triển vọng và thách thức” công bố mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, các tổ chức lớn như IMF, OECD, WB, UN và Euromonitor đều có những điều chỉnh tích cực cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2024. Điều này có thể tác động tiêu cực đến khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam, khi thương mại luôn được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng hiện nay. Ngoài ra, rủi ro từ cuộc xung đột tại Trung Đông cũng làm gia tăng lạm phát nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong Quý IV. Những thách thức này đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt và hiệu quả để duy trì đà phục hồi kinh tế đất nước.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích