Kinh tế TP.HCM duy trì nhịp tăng trưởng đều
Tăng trưởng nhiều chỉ tiêu
Theo Cục Thống kê TP.HCM: Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,3%; doanh thu vận tải hàng hóa tăng 11,2%; thu ngân sách đạt gần 230.000 tỷ đồng (tăng 14,3%); tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng (tăng 9,8%); kim ngạch xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD (tăng 14,2%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 458.000 tỷ đồng (tăng 10,2%), trong đó bán lẻ hàng hóa đạt hơn 219.000 tỷ đồng (tăng 9,3%), lưu trú ăn uống đạt hơn 51.000 tỷ đồng (tăng 8,7%), du lịch lữ hành đạt hơn 15.000 tỷ đồng (tăng 65,1%)…
Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM đạt hơn 18 tỷ USD. |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, tăng 3,24% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2023 tăng 4,01%). Trong năm 2023, CPI từ đầu năm đến cuối năm có xu hướng giảm nhưng năm 2024 có xu hướng tăng và nhiều khả năng năm 2024 lạm phát cao hơn năm 2023 nhưng vẫn dưới mục tiêu 4,5%. Điều này cho thấy kinh tế phục hồi tốt hơn, cung tiền nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn, khi lạm phát dưới ngưỡng thì lạm phát tăng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế hơn.
Dư nợ tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng vốn huy động 5 tháng đầu năm 2024 tăng 8,3% so với cùng kỳ cho thấy nhu cầu vay vốn tăng trưởng trở lại, trong khi đó lãi suất cho vay một số ngân hàng đã bắt đầu tăng. Tương tự, thị trường chứng khoán có xu hướng tích cực khi khối lượng giao dịch tăng 53,1% và giá trị gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động bất động sản khởi sắc trở lại khi doanh thu trong lĩnh vực này trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023; thu thuế từ nhà, đất cũng tăng 44,8% so với cùng kỳ.
Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 20/5/2024, Thành phố đã cấp phép cho hơn 20.200 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt gần 173.000 tỷ đồng, tăng 8,7% về giấy phép và giảm 3,3% về vốn so với cùng kỳ 2023. Về đầu tư FDI, có hơn 800 trường hợp tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn với quy mô hơn 707 triệu USD (tăng 30,7%). Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 138.000 lượt người, đạt 46,1% kế hoạch; trong đó tạo việc làm mới cho hơn 62.000 chỗ làm (đạt 33,3%).
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh việc duy trì nhịp tăng trưởng đều ở nhiều chỉ tiêu, kinh tế TP.HCM vẫn đang gặp nhiều thách thức khi chỉ số phát triển GRDP quý 1/2024 của Thành phố tuy đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ nhưng lại đứng thứ 18 so với cả nước.
Là địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước nhưng trong 5 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của TP.HCM vẫn chứng kiến sự phục hồi chậm. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% so với cùng kỳ 2023 nhưng nếu tính theo giai đoạn 2019 – 2024 (thời điểm xảy ra dịch Covid-19) chỉ đạt 1,9%, cho thấy công nghiệp Thành phố phục hồi khá chậm và vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong đó có tới 11/30 ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm 2023; hoạt động chế biến, chế tạo là trụ cột của ngành công nghiệp (chiếm hơn 90% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp) nhưng chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng lao động trong ngành công nghiệp giảm tới 5,7% so với cùng kỳ.
Sức mua của thị trường trong nước duy trì nhưng thấp hơn mức tiềm năng. Mức tăng 10,2% trong 5 tháng đầu năm 2024 vẫn là mức tăng chậm lại so với các tháng đầu năm 2024 do dịch vụ ăn uống có xu hướng giảm, quy mô chỉ tương đương cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân từ năm 2019 đến nay, lĩnh vực ăn uống chỉ tăng 4,5%/năm trong khi chỉ số giá tăng 3,2%, cho thấy sức mua đang thấp so với tiềm năng, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, chắt chiu hơn.
Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công vẫn diễn ra khá chậm. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 5/2024, Thành phố đã giải ngân được gần 10.900 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch năm 2024.
Trong khi đó, môi trường kinh doanh trong nước chưa được cải thiện rõ nét. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Thành phố có hơn 27.700 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhưng cũng có đến hơn 20.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; bình quân cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về đầu tư FDI, trong 5 tháng đầu năm 2024 số dự án FDI đăng ký mới tăng 24,1% so với cùng kỳ 2023 nhưng tổng vốn đăng ký giảm 23%; bình quân đạt 0,44 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2023 vốn đạt 0,62 triệu USD/dự án).
Tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Giải ngân đầu tư công từ đầu năm 2024 đến nay vẫn đạt thấp, cần có giải pháp để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo được chuyển biến vào tháng 6/2024 này để có khối lượng thanh toán. Trước mắt Thành phố tập trung vào dự án lớn gồm cải tạo rạch Xuyên Tâm, Bờ bắc kênh Đôi, dự án Vành đai 2. Tiếp tục gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giải quyết vốn đầu tư công, đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây lắp. Tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng và bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế. |
Xuân Tình
Nguồn: Báo lao động thủ đô