Kinh tế số của ASEAN có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030
Một cơ chế quản lý thống nhất và mạnh mẽ có thể giúp ASEAN thu được giá trị tiềm năng của nền kinh tế số, dự kiến sẽ đạt 1.000-2.000 tỷ USD vào năm 2030, tăng từ mức 300 triệu USD hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz cho biết một cơ chế quản lý thống nhất và mạnh mẽ có thể giúp ASEAN thu được giá trị tiềm năng của nền kinh tế số, dự kiến sẽ đạt 1.000-2.000 tỷ USD vào năm 2030, tăng từ mức 300 triệu USD hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN 2023 tại Jakarta, Indonesia ngày 4/9, Bộ trưởng Zafrul cho biết sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và sự sẵn có của các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội và thị trường thương mại điện tử là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của ASEAN tăng cường tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế.
Trích dẫn nguồn dữ liệu, ông Zafrul cho biết khoảng 50 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng Facebook để tìm kiếm khách hàng, với 70% người theo dõi họ là người trong nước và 30% từ nước ngoài. Do vậy, việc tăng cường luồng dữ liệu sẽ giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy việc chia sẻ ý tưởng và cho phép người dùng tận dụng những phát hiện và công nghệ mới. Đây là cách để hướng tới một khung pháp lý toàn diện nhằm tăng cường niềm tin vào việc chia sẻ dữ liệu trong nội bộ ASEAN giữa các bên liên quan, bao gồm việc tái sử dụng cả dữ liệu có mục đích công và tư.
Ông nhấn mạnh mặc dù việc cho phép sử dụng lại dữ liệu cho mục đích công có thể là một quá trình phức tạp hơn. Tuy nhiên, theo ông, nên xem xét tiếp tục cho phép tái sử dụng dữ liệu cho mục đích riêng tư thông qua các quy định trên toàn ASEAN.
Ông Zafrul cho biết các thỏa thuận đa phương trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới bao gồm các điều khoản của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) về thương mại điện tử và Hiệp định Thương mại Điện tử ASEAN. Chương thương mại điện tử trong RCEP nhằm tạo ra một môi trường thương mại điện tử thuận lợi thông qua việc bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến và dữ liệu cá nhân trực tuyến, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Ông cho biết sự gắn kết được cải thiện trong các chính sách liên quan đến dữ liệu sẽ tạo thêm niềm tin và thúc đẩy thương mại điện tử trong khu vực, cũng như giữa ASEAN và các thị trường quốc tế khác.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Zafrul đề nghị các nước ASEAN cũng nên xem xét nghiêm túc việc thiết lập các thỏa thuận công nhận lẫn nhau và/hoặc làm hài hòa các quy định liên quan đến dữ liệu trong và ngoài khu vực. Điều này cũng có thể được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán sắp tới về Hiệp định khung Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN./.
Nguồn: Báo xây dựng