Kinh tế số- chìa khóa tăng trưởng – Kỳ cuối: Hoàn thiện hành lang pháp lý để vận hành

Đẩy mạnh hợp tác công – tư

Grab là hệ sinh thái thương mại điện tử cho phép người dùng tiếp cận được với các dịch vụ thiết yếu hàng ngày qua một siêu ứng dụng duy nhất. Ngoài dịch vụ vận chuyển thì Grab đang hướng dẫn người dùng tiếp cận các dịch vụ kinh tế số như gọi đồ ăn, siêu thị online, giao nhận… Trước những thách thức của ngành thương mại điện tử, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân đề xuất 3 yếu tố nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp số.

Kinh tế số- chìa khóa tăng trưởng - Kỳ cuối: Hoàn thiện hành lang pháp lý để vận hành
Kinh tế số gắn với thương mại điện tử ngày càng quan trọng. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, đó là việc đẩy mạnh hợp tác công – tư giữa Chính phủ để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh tế số. Ví dụ, vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm giãn cách xã hội nghiêm ngặt, có rất nhiều thử thách để duy trì chuỗi cung ứng, Grab đã có sự hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện ứng dụng “Đi chợ hộ” được đón nhận rất tốt tại Thủ Đức. Bà Vân cho rằng, nếu như việc hợp tác công – tư này đi vào vận hành sớm hơn và rộng hơn trong công tác chống dịch thì hiệu quả chống dịch sẽ cao hơn. Việc đẩy mạnh hợp tác công – tư sẽ là đòn bẩy rất lớn đối với việc duy trì cung ứng.

Thứ hai, theo đại diện Grab, cần có chính sách để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể tham gia vào sân chơi thương mại điện tử, bởi các hộ này len lỏi rất sâu vào nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, tỷ trọng đóng góp rất cao so với các nước phát triển và trong khu vực. “Grab rất quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể, giúp họ dễ tiếp cận phương tiện vận hành đơn giản nhất, để họ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua kinh tế số”, bà Vân cho biết.

Thứ ba, theo bà Vân, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là đòn bẩy rất lớn, đặc biệt khi xã hội muốn hoạt động an toàn khi sống chung với dịch. Số liệu của Grab cho thấy, lượng người dùng qua Grab đến 40% không sử dụng tiền mặt, đây là con số đáng khích lệ và xu hướng ngày càng gia tăng. Tháng 8/2020, số người lần đầu tiên tiếp xúc với thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ “Siêu thị online” của Grab tăng đến gần 30%, so với tháng trước đó, tổng lượng giao dịch không dùng tiền mặt cũng tăng đến gần 150%. Cơ hội tiếp tục tăng trưởng còn rất lớn. Đại diện Grab mong muốn về cơ chế chính sách có thể đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt.

Đồng quan điểm với Grab, ông Nguyễn Trung Thành, đại diện sàn thương mại điện tử Baemin Việt Nam cũng cho rằng, sau đại dịch các doanh nghiệp sẽ phục hồi theo hình chữ K. Các doanh nghiệp lớn, may mắn sẽ nằm ở nhánh trên của chữ K, phục hồi và đi lên. Còn ở nhánh dưới, các doanh nghiệp nhỏ, vừa, doanh nghiệp truyền thống, yếu thế sẽ đi xuống. Vì vậy cần có chính sách đối với nhóm doanh nghiệp này bằng cách đẩy mạnh hợp tác công – tư, giúp các doanh nghiệp cũng phục hồi.

Cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế số – chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP.

Mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, tuy nhiên thực tế đang đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như: Môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế số – chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP.

Nhiều doanh nghiệp số cũng đưa ra các giải pháp đề xuất dựa trên tình hình thực tế, nhằm tháo gỡ khó khăn trong ngành kinh tế số. Bà Lê Thanh Thảo – đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho rằng, các Bộ, ngành cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các hộ sản xuất nông nghiệp lên được sàn thương mại điện tử. Đồng thời, mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thanh toán online; các ban, ngành hỗ trợ về vấn đề vận chuyển, thông đầu ra đơn hàng…

Về vấn đề thanh toán điện tử, ông Lê Anh Dũng – Cục Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước bối cảnh dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước có một loạt hành động thúc đẩy thanh toán số và chuyển đổi số. Cụ thể: Cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước ban thành Thông tư 16 về mở tài khoản, trong đó quy định cho phép các ngân hàng được mở tài khoản bằng phương thức điện tử, trực tuyến, không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng. Tháng 3/2021, ban thành Quyết định số 316 triển khai thí điểm dùng dịch vụ viễn thông Mobile Money để thanh toán hàng hóa có giao dịch nhỏ với hy vọng có thể triển khai tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Tháng 5/2021, Kế hoạch 810 về chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra các biện pháp phát triển dịch vụ ngân hàng số, gia tăng tiện ích trải nghiệm ngân hàng trên cơ sở thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong cung ứng sản phẩm dịch vụ… cùng nhiều chính sách khác, giúp các doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng với thanh toán điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết, để thúc đẩy thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các sàn thương mại điện tử đã nêu các kiến nghị trong việc duy trì hoạt động của đội ngũ giao, chuyển hàng và bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương. Bên cạnh đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam mong muốn các chính sách đưa ra cần mang tính khuyến khích phát triển thương mại điện tử, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp thương mại điện tử. /.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích