Kinh tế phục hồi tích cực, Bình Dương đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng hơn 8%

(Xây dựng) – Trong phiên họp UBND tỉnh lần thứ 48 ngày 15/11, lãnh đạo các Sở, ban ngành đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Kinh tế phục hồi tích cực, Bình Dương đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng hơn 8%
Tỉnh Bình Dương có 23/35 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu xã hội, môi trường và đô thị thông minh.

Nhiều chỉ tiêu đạt, vượt mức đề ra

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý. Kết quả có 23/35 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu xã hội, môi trường và đô thị thông minh.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6% (kế hoạch tăng 8,5 – 8,7%); GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng (kế hoạch 177,1 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 66,17% – 23,83% – 2,62% – 7,38%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

So với năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11% (thực hiện 164.300 tỷ đồng). Đầu tư công đạt giá trị giải cao hơn khoảng 8.500 tỷ đồng so với cùng kỳ; dự kiến giải ngân cả năm 2023 đạt 95% kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô nên Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước chỉ tăng 6,5% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022 (kế hoạch tăng 9-10%); kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7% (kế hoạch tăng 9-10%).

Cùng với các chỉ tiêu kinh tế, Đề án thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương được ICF vinh danh tiêu biểu năm 2023 (TOP 1 ICF 2023). Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từng bước đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

GRDP tăng 8-8,3% so với năm 2023

Năm 2024, UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh tế phục hồi tích cực, Bình Dương đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng hơn 8%
UBND tỉnh Bình Dương xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, trong đó, GRDP tăng 8-8,3% so với năm 2023.

Tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công – tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị – dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế. UBND tỉnh xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, trong đó, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8-8,3% so với năm 2023.

Phiên họp cũng đã xem xét thông qua một số nội dung quan trọng trình Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023 như: Báo cáo tình hình ước thực hiện thu chi ngân sách, tình hình đầu tư công năm 2023; Đề án thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập Thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 Thành phố Dĩ An; Phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040…

Với những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đánh giá cao những nỗ lực của các Sở, ban ngành, địa phương trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Điểm sáng là tăng trưởng GRDP của tỉnh dự kiến cao hơn bình quân cả nước; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11%, đứng thứ 3 cả nước; thu hút đầu tư đạt mục tiêu đề ra; đầu tư công có chuyển biến tích cực, các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ.

Với kế hoạch năm 2024 đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp, các ngành tập trung nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó chú trọng triển khai công tác đầu tư công các công trình trọng điểm, hoàn thiện các đề án lớn như Đề án nhà ở xã hội, phát triển ngành Y tế. Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; các địa phương tổ chức gặp gỡ, lắng nghe phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích