Kinh nghiệm thúc đẩy năng suất lao động của một số quốc gia Đông Nam Á và bài học cho Việt Nam
Thái Lan là một câu chuyện điển hình của sự phát triển thành công với tốc độ tăng trưởng bền vững và giảm nghèo ấn tượng. Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng với tốc độ bình quân 7,5%/năm trong giai đoạn 1960-1996 và 5%/năm trong giai đoạn 1999-2005. Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế Thái Lan chậm lại, từ mức 4,2% năm 2018 xuống còn 2,4% năm 2019. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu và đầu tư công giảm, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của hạn hán.
NSLĐ của Thái Lan giai đoạn 1999-2007 tăng bình quân 3,6%/ năm, trong đó nửa đầu những năm 2000 tăng bình quân 3%/năm; giai đoạn 2010-2016 giảm xuống còn 1,3%/năm. Đầu tư tư nhân đã giảm một nửa từ 30% GDP năm 1997 xuống còn 15% vào năm 2018 do đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm lại và tiến độ thực hiện các dự án thuộc Hành lang kinh tế phía Đông bị đình trệ. Để trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2037, Thái Lan sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn trên 5%, đòi hỏi tốc độ tăng NSLĐ 3% và tăng đầu tư lên 40% GDP.
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã từng có NSLĐ hàng đầu khu vực nhờ áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng NSLĐ
Vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Thái Lan đã bị rơi vào bẫy phát triển do là nước có thu nhập trung bình; bất bình đẳng về thu nhập; mất cân bằng kinh tế-xã hội. Khi Thái Lan không còn đủ sức cạnh tranh với các nước có chi phí lao động thấp, nếu không có kỹ năng, nghiên cứu và đổi mới để cạnh tranh với các nước tiên tiến trên các thị trường giá trị cao, Thái Lan sẽ ngày càng mất đi tính cạnh tranh của mình.
Để có thể được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao, Thái Lan đã tập trung thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào năng suất. Sáng kiến Thái Lan 4.0 được Chính phủ công bố vào tháng 5/2016. Mục tiêu của sáng kiến này là nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước tiên tiến và đang phát triển khác, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, tạo ra nhiều nghề nghiệp có chất lượng cao hơn. Đây là kế hoạch phát triển cho Thái Lan với chặng đường 20 năm để đạt được các mục tiêu: Thịnh vượng về kinh tế, phúc lợi xã hội, giá trị con người và bảo vệ môi trường, thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh trong bốn ngành và lĩnh vực chính: Trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ chuyển đổi canh tác truyền thống thành canh tác thông minh; Các SME và doanh nghiệp sản xuất truyền thống sẽ được chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và sản xuất thông minh; Chuyển đổi ngành dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ giá trị cao; Lao động sẽ được chuyển đổi thành lao động có kỹ năng.
Để đạt được điều này, Thái Lan đã triển khai các biện pháp cụ thể của sáng kiến Thái Lan 4.0, góp phần nâng cao NSLĐ, gồm: Tập trung vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Sáng kiến Thái Lan 4.0 khuyến khích các công ty sản xuất sử dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến như đổi mới, kết nối, tự động hóa, robot, AI và dữ liệu lớn. Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu tăng chi tiêu cho R&D lên 4% GDP, nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm lên 5 – 6% trong vòng 5 năm tới và nâng thu nhập bình quân đầu người từ 5.470 USD năm 2014 lên 15.000 USD vào năm 2032;
Phát triển nguồn nhân lực bằng cách nâng cao hiệu suất giáo dục và tăng cường giáo dục, đào tạo kỹ thuật, dạy nghề, cũng như khuyến khích học tập và đào tạo suốt đời; Thực hiện các bước hiện đại hóa chương trình và kỹ thuật dạy học, chú trọng nhiều hơn đến toán, khoa học, ngoại ngữ và phát triển tư duy sáng tạo;
Cải thiện khung chính sách để khuyến khích sự gia nhập của các doanh nhân đổi mới và các doanh nghiệp quy mô vừa. Năm 2017, chính phủ Thái Lan đã khởi động chương trình “Giảm tải quy định19” và “Giấy phép đơn giản và thông minh” do Văn phòng Thủ tướng Chính phủ chủ trì thực hiện nhằm mục đích sửa đổi hoặc bãi bỏ bất kỳ hành vi pháp lý nào không còn cần thiết, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, xếp hạng của Thái Lan về Chỉ số môi trường kinh doanh đã tăng lên đáng kể, từ vị trí thứ 48 trong số 190 nền kinh tế vào năm 2017 lên vị trí thứ 26 trong năm 2018;
Tăng cường hội nhập khu vực bằng cách giảm các rào cản để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy đổi mới bằng cách tăng cường hợp tác giữa chính phủ, khu vực kinh doanh và giới học thuật;
Phân bổ nguồn lực hiệu quả. Thái Lan có NSLĐ ngành nông nghiệp rất thấp. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp ở mức cao (32% trong năm 2017) nhưng chỉ đóng góp 8% vào GDP20. Do vậy, Thái Lan đã tạo điều kiện để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực hiện đại hơn thông qua giáo dục, đào tạo, dịch vụ xã hội và phổ biến thông tin phù hợp. Trong những năm gần đây, nhờ triển khai thực hiện sáng kiến Thái Lan 4.0, NSLĐ của Thái Lan đã cải thiện tích cực. Tốc độ tăng NSLĐ nói chung và tốc độ tăng NSLĐ của các ngành mà Chương trình Thái Lan 4.0 hướng tới tăng đáng kể.
Cụ thể, NSLĐ bình quân năm 2015 (trước khi thực hiện sáng kiến Thái Lan 4.0) là 12,81 nghìn USD/lao động, đã tăng lên mức 15,01 nghìn USD/lao động vào năm 2019; tốc độ tăng NSLĐ của ngành nông nghiệp giảm từ 4,23% giai đoạn 2010-2015 xuống còn 2,8% giai đoạn 2015-2019. Ngược lại, tốc độ tăng NSLĐ các ngành sản xuất công nghiệp, bán buôn bán lẻ và bưu chính viễn thông tăng mạnh, lần lượt là -2,4%, 4,17% và 1,59% giai đoạn 2010-2015 lên mức 3,93%; 5,73% và 4,69% giai đoạn 2015- 2019.
Điểm số Kinh doanh của Thái Lan năm 2020 đạt 92,4/100 và xếp hạng 47 trên thế giới. Theo Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 năm 2019 của Thái Lan đạt 68,1 điểm, xếp hạng 40/141 quốc gia. Theo số liệu về NSLĐ của ILO, giá trị trên mỗi lao động theo năm của Thái Lan trong giai đoạn 2011-2020 dao động trong khoảng 24.500-33.400 đô la quốc tế theo PPP 2017.
Tiếp đến là Ma-lai-xi-a, đây là một ví dụ điển hình về tăng NSLĐ trong khu vực ASEAN. NSLĐ chung của Ma-lai-xi-a năm 2016 gấp 2,5 lần so với năm 1985. Theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ tăng từ khoảng 28.000 RM/ lao động năm 1985 lên 71.000 RM/lao động năm 2016 do NSLĐ của ngành chế biến chế tạo gấp gần 3,5 lần; dịch vụ gấp khoảng 2,5 lần, nông nghiệp gấp hai lần.
Giữa những năm 1990, Ma-lai-xi-a đã triển khai chương trình đổi mới và chuyển đổi nền kinh tế từ dựa trên đầu vào sang dựa trên tri thức. Từ nền kinh tế ban đầu là nông nghiệp và dựa vào hàng hóa, Ma-lai-xi-a chuyển sang nền kinh tế có ngành chế biến chế tạo và dịch vụ phát triển mạnh mẽ, trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về thiết bị điện tử và linh kiện.
NSLĐ của Ma-lai-xi-a tăng trưởng dương liên tục từ năm 2010 đến năm 2019. Đặc biệt vào năm 2010, NSLĐ của Ma-lai-xi-a tăng 5,8%, cao hơn hầu hết các quốc gia thuộc OECD như Hàn Quốc (4,9%), Nhật Bản (4,1%), Thụy Điển (4,4%), Đức (3,5%), Hoa Kỳ (2,7%), Phần Lan (2,7%). Mặc dù giá trị NSLĐ của Ma-lai-xi-a gấp 2,5 lần nhưng tốc độ tăng NSLĐ của quốc gia này đã chậm lại đáng kể trong giai đoạn 1985-2016. Từ năm 1985 đến năm 1996, NSLĐ tăng bình quân 3,9%/ năm. Con số này giảm xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2000-2007 và 2,5% trong giai đoạn 2011-2016.
Đặc biệt, tốc độ tăng NSLĐ của Malai-xi-a đã giảm từ 5,8% năm 2010 xuống còn 2,2% năm 2019. Sự sụt giảm NSLĐ không phải là riêng biệt đối với bất kỳ ngành nghề cụ thể nào. Điều này đặc biệt rõ ràng trong giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng NSLĐ ngành nông nghiệp đã giảm 75% so với giai đoạn 1985-1996, trong khi ngành chế biến, chế tạo và dịch vụ giảm lần lượt 44% và 40%. Ba ngành kinh tế chính này sử dụng 90% tổng số lao động trong nền kinh tế Ma-lai-xi-a.
Tỷ trọng lao động đang dần chuyển sang các ngành có NSLĐ thấp hơn kể từ năm 2000. Từ năm 1985 đến năm 1996, ngành chế, biến chế tạo có NSLĐ cao hơn so với các ngành khác và tăng tỷ trọng lao động nói chung từ 15% trong tổng số lao động năm 1985 lên mức cao nhất là 23% vào năm 2000. Tuy nhiên, kể từ đó, tỷ trọng lao động của ngành chế biến, chế tạo bắt đầu giảm và về mức 17% trong năm 2016. Lý do dẫn đến tốc độ tăng NSLĐ giảm gồm: Tăng trưởng toàn cầu giảm đã kìm hãm đầu tư vốn, phát triển vốn con người chậm lại, trong khi kỹ năng thị trường lao động không phù hợp và doanh nghiệp nhỏ chưa đổi mới mạnh mẽ; Việc tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu không tiến triển nhanh như mong đợi, hạn chế tạo ra việc làm phù hợp cho sinh viên tốt nghiệp có tay nghề cao; Công việc thu nhập thấp và thị trường lao động cứng nhắc không khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và người cao tuổi, trong khi các rào cản đối với đầu tư và cạnh tranh trong một số ngành dịch vụ dẫn đến hạn chế các động lực tăng NSLĐ; Mức NSLĐ của Ma-lai-xi-a còn yếu và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào, đặc biệt là tích lũy vốn phi công nghệ thông tin, truyền thông.
Kết quả là, mức NSLĐ của Ma-lai-xi-a tiếp tục tụt hậu so với hầu hết các nước tiên tiến. Theo sức mua tương đương năm 2017, mức NSLĐ của Ma-lai-xi-a trong năm 2020 bằng 78,6% so với Hoa Kỳ và bằng 36,5% Xin-ga-po. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Ma-lai-xi-a lại vượt trội so với các nước cùng khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, In-đônê-xi-a, Ấn Độ và Việt Nam, nhưng các quốc gia này có tốc độ tăng NSLĐ cao hơn Ma-lai-xi-a và sẽ nhanh chóng bắt kịp quốc gia này.
Trước thách thức này, năm 2015, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã ban hành Kế hoạch Ma-lai-xi-a lần thứ 11 (giai đoạn 2016-2020) với mục tiêu tăng NSLĐ đầy tham vọng là 3,7% mỗi năm. Kế hoạch năng suất quốc gia giai đoạn 2016-2020 chỉ ra 5 động lực tiềm năng có thể thúc đẩy tăng NSLĐ, bao gồm: Nhân tài: Ma-lai-xi-a sẽ xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao và giảm dần phụ thuộc vào lao động tay nghề thấp. Theo Chỉ số vốn con người của WB năm 2018, Ma-lai-xi-a đứng thứ 62 trong số 174 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hiện tại, các ngành công nghiệp của Ma-lai-xi-a phụ thuộc quá mức vào lao động bán lành nghề, tay nghề thấp và lao động nước ngoài có tay nghề thấp, thể hiện qua tỷ lệ lao động có tay nghề trên tổng số việc làm vẫn ở mức 27,2%, thấp so với mục tiêu 35% vào năm 2020 do Chính phủ đề ra trong Kế hoạch Ma-lai-xi-a lần thứ 1130. Do đó, đóng góp của chất lượng lao động vào tăng trưởng kinh tế còn thấp, chỉ khoảng 8% GDP trong giai đoạn 2001-2018, thấp hơn nhiều so với mức đóng góp trung bình khoảng 15% vào tăng trưởng GDP của OECD;
Công nghệ: Ma-lai-xi-a tăng cường đầu tư vào công nghệ và kĩ thuật số, áp dụng vào các ngành công nghiệp và thúc đẩy hợp tác giữa ngành công nghiệp và các học viện để đổi mới và phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển; khuyến nghị các doanh nghiệp tập trung vào hiệu quả quy trình sản xuất và tận dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng thị trường;
Chính sách ưu đãi: Các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cần liên kết trực tiếp tới NSLĐ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả và hoạt động kinh doanh; Môi trường kinh doanh: Ma-lai-xi-a thực hiện cắt giảm rào cản pháp lý, xây dựng các quy định nhất quán để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp; Tư duy NSLĐ hiệu quả: Nâng cao nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng và lợi ích do NSLĐ đem lại ở cấp doanh nghiệp, hướng dẫn đo lường và theo dõi NSLĐ.
Tuy nhiên, từ khi đề ra Kế hoạch Ma-lai-xi-a lần thứ 11 vào năm 2015, quốc gia này chỉ đạt được mục tiêu tăng NSLĐ bình quân 3,7% duy nhất trong năm 2016, tốc độ tăng NSLĐ các năm sau đều có xu hướng giảm. Vì vậy, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã hoãn mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020 tới năm 2024. Năm 2020, NSLĐ của Ma-lai-xi-a đã giảm 5,5%, còn 89.025 RM/ lao động. Đây là lần giảm NSLĐ đầu tiên của quốc gia này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cũng là mức giảm thấp nhất trong 10 năm gần đây.
NSLĐ năm 2020 sụt giảm là không thể tránh khỏi do tác động của đại dịch Covid-19. Theo số liệu của ILO, giá trị lao động theo năm của Ma-lai-xi-a giai đoạn 2011-2020 dao động trong khoảng 49.000-59.000 đô la quốc tế theo PPP 2017. Để vượt qua tác động của đại dịch và phục hồi NSLĐ, Ma-lai-xi-a kêu gọi khu vực công và tư nhân nâng cao NSLĐ trong sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ; các doanh nghiệp cần tập trung vào hiệu quả quy trình sản xuất và tận dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng thị trường. Tiếp tục thực hiện 5 động lực thúc đẩy tăng NSLĐ đã đề ra trong Kế hoạch NSLĐ giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh vai trò của công nghệ kỹ thuật số để tăng NSLĐ.
Kế hoạch chi tiết nền kinh tế kỹ thuật số (MyDigital) được Thủ tướng Ma-lai-xi-a phê duyệt vào tháng 02/2021 sẽ giúp quốc gia này trở thành một chính phủ hỗ trợ kỹ thuật số trong tương lai. MyDigital đặt mục tiêu tăng 30% NSLĐ của tất cả các lĩnh vực vào năm 2030 và điều chỉnh các hoạt động đã thực hiện trong năm 2021 nhằm hướng tới mục tiêu này.
NSLĐ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.
Với In-đô-nê-xi-a, đây là quốc gia có lực lượng lao động lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất ở Đông Nam Á. Quốc gia này sở hữu lực lượng lao động trẻ, năng động giúp thu hút đầu tư nước ngoài và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hai mươi năm qua. Tuy nhiên, In-đô-nê-xi-a hiện đang ở giai đoạn cuối bùng nổ tài nguyên, đòi hỏi những điều chỉnh chính sách để giúp nền kinh tế vẫn có động cơ tăng trưởng.
Trong giai đoạn 2010-2015, thị trường lao động của In-đô-nêxi-a đã đạt được một số tiến bộ nhất định. Số việc làm thường xuyên đã tăng từ 35 triệu lên 46 triệu việc làm; NSLĐ tăng bình quân 4,3%/ năm tính theo giá trị thực. Tuy nhiên, NSLĐ tăng là do tốc độ tăng của việc làm chậm lại chứ không phải là do hiệu quả được cải thiện. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá thị trường lao động In đô-nê-xi-a còn tồn tại hạn chế, như: Cứ hai người lao động thì có một người không đủ tiêu chuẩn đối với vị trí việc làm của mình; phần lớn nhân công làm việc theo hợp đồng thời vụ hoặc không chính thức và thường không có chứng nhận đào tạo nâng cao kỹ năng. Tốc độ tăng tiền lương trung bình chậm, chỉ dưới 2% một năm tính theo giá trị thực giai đoạn 2011-2016. Mặc dù mức lương tối thiểu đã tăng nhanh nhưng vẫn có tình trạng cứ hai nhân viên thì có một nhân viên thu nhập dưới ngưỡng quy định.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2014, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đưa ra Chương trình nghị sự phát triển mới có tên là Nawa Cita, có nghĩa là “chín mục tiêu” với việc đặt trọng tâm vào cải thiện mức sống, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Tháng 01/2015, chính phủ In-đô-nê-xi-a cụ thể hóa Chương trình nghị sự Nawa Cita thành Kế hoạch phát triển quốc gia giữa kỳ giai đoạn 2015-2019. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm tốt hơn và tăng NSLĐ.
Theo đó, Chính phủ In-đô-nê-xi-a tập trung cải thiện ba vấn đề, bao gồm: Liên kết hiệu quả hơn giữa tiền lương và NSLĐ: Chính phủ xác định NSLĐ là điều kiện cần cho tăng trưởng và tăng NSLĐ là điều kiện cần để nền kinh tế duy trì khả năng cạnh tranh; một bộ phận quan trọng trong tăng trưởng bao trùm là duy trì mối quan hệ giữa tiền lương và NSLĐ. Từ đó đưa ra hai giải pháp: đổi mới cách thức thay thế cho việc thương lượng trả lương ở cấp ngành, cấp doanh nghiệp; cải thiện công tác quản lý thị trường lao động để đảm bảo tăng tỷ lệ tuân thủ quy định về tiền lương. Tăng cường mối quan hệ giữa tính linh hoạt đối với doanh nghiệp và an sinh cho người lao động: Hợp đồng ngắn hạn đã dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và cản trở tốc độ tăng NSLĐ.
Do đó, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã tập trung xử lý tình trạng hợp đồng ngắn hạn, đảm bảo khung pháp lý để kết hợp hài hòa giữa tính linh hoạt dành cho doanh nghiệp và an sinh cho người lao động. Các quy định của Luật Lao động (về hợp đồng ngắn hạn, thuê ngoài, sa thải, trợ cấp thôi việc và bảo hiểm thất nghiệp) dựa trên nhu cầu thúc đẩy xây dựng kỹ năng và tăng năng suất. Các cải cách trong lĩnh vực này có thể hỗ trợ năng lực cạnh tranh và đảm bảo chia sẻ lợi ích tăng trưởng. Nâng cao hệ thống và động lực để xây dựng kỹ năng: In-đô-nêxi-a xác định xây dựng kỹ năng có thể tạo ra sự khác biệt.
Do đó, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ xây dựng kỹ năng để thúc đẩy tăng NSLĐ và tăng việc làm hiệu quả. In-đô-nê-xi-a đã tăng cường đầu tư vào giáo dục, từ đó mở rộng nguồn lao động có trình độ học vấn. Nhờ áp dụng các biện pháp trên nên giá trị trên mỗi lao động của In-đô-nê-xi-a qua các năm, trong giai đoạn 2011-2020 dao động trong khoảng 19.100-24.400 đô la quốc tế theo PPP 2017. Theo tài liệu Chỉ số cạnh tranh do APO xuất bản tháng 9/2021, chỉ số năng suất của In-đô-nê-xi-a tăng từ 0,884 năm 2014 lên 0,900 năm 2020, đều xếp hạng thứ 11 trên 21 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên APO.
Có thể nói, NSLĐ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Thúc đẩy tăng NSLĐ được các quốc gia ưu tiên thực hiện. Thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng một lúc, tạo ra sự bất định, khó dự đoán trong quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu. Các thách thức đó đến từ đại dịch Covid-19, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến tranh thương mại giữa các cường quốc… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu về cải thiện, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động không chỉ đối với từng cá nhân, doanh nghiệp mà còn đối với cả quốc gia. Lựa chọn giải pháp thúc đẩy tăng NSLĐ thế nào cho phù hợp với điều kiện riêng biệt của từng quốc gia và nguồn lực hiện có luôn là bài toán cần nhiều lời giải khác nhau.
Nam Dương