Kinh nghiệm sống chung với nước biển dâng của Hà Lan

Kinh nghiệm sống chung với nước biển dâng của Hà Lan

Trong số các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực chống nước biển dâng, Hà Lan nổi tiếng với những kinh nhiệm có từ hàng thập kỷ qua.

Trong số các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực chống nước biển dâng, Hà Lan nổi tiếng với những kinh nhiệm có từ hàng thập kỷ qua. Từng hứng chịu nhiều thiệt hại trong lịch sử khi 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển, Hà Lan ngày nay đang sở hữu công nghệ đê điều phòng chống lũ lụt an toàn nhất thế giới. Không chỉ là để bảo vệ đất nước, quốc gia này cũng đang xuất khẩu công nghệ nhằm hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó với tình trạng nước biển xâm lấn.

Hà Lan có vị trí địa lý đặc biệt khi 2/3 diện tích đất nước nằm dưới mực nước biển, do đó việc quản lý nguy cơ lũ lụt vẫn luôn là một ưu tiên của quốc gia này. Từ bờ biển lộng gió, tới các thị trấn sâu trong thành phố, nước xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Hà Lan. Có tới một nửa dân số quốc gia này sống tại các khu vực nằm dưới mực nước biển và nếu không nhờ có mạng lưới đê điều, cồn cát và đập nước dài 17.500 km, nền kinh tế lớn thứ 5 của châu Âu sẽ ngập sâu trong nước.

Tuy nhiên vào năm 1953, trận lũ nhấn chìm 9% đất nông nghiệp và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người đã đánh dấu bước ngoặt trong phản ứng trước thiên tai của Hà Lan.

Sự tàn phá này đã truyền cảm hứng cho Hà Lan thực hiện một dự án phòng chống lũ lụt khổng lồ mang tên Delta Works – một dự án xây dựng hàng loạt các công trình đập, đê điều và các công trình liên quan khác kéo dài từ năm 1959 tới 1995.

tm-img-alt
Rào cản chắn nước Delta Work. (Ảnh: Holland.com)

Bằng cách rút ngắn đường bờ biển và thoát nước cho các khu vực trũng thấp, người Hà Lan đã giảm nguy cơ lũ lụt, cải thiện hệ thống tưới tiêu nước ngọt và tạo ra một hệ thống hồ vừa có tác dụng như không gian giải trí gần các trung tâm đô thị và vừa hữu dụng trong việc phòng chống lũ lụt.

Trong khi đó, những phát minh về cối xay gió và trạm bơm cơ học từ xưa đã cho phép thoát nước khỏi các vùng đất trũng và thậm chí chìm sâu hơn 5m, từ đó giúp quốc gia này khai hoang đất từ biển trong suốt hàng trăm năm.

Trong công cuộc phòng chống lũ lụt và biển xâm lấn, hệ thống đê trải rộng của Hà Lan đóng vai trò trọng tâm trong việc điều tiết và phòng chống lũ lụt. Nhằm hỗ trợ cho quá trình quản lý, chính phủ Hà Lan đã cho xây dựng các vòng đê được cấu thành bởi các bờ kè được kết nối cùng các công trình phòng chống lũ lụt khác.

Trong Luật Nước của Hà Lan – kế thừa của Luật Phòng chống lũ lụt – có 53 khu vực vành đai đê chính đã được xác định, có diện tích từ gần 5.000 km2 đến dưới 1 km2, bao phủ toàn bộ khu vực dễ bị lũ lụt của đất nước cũng như khoảng 40 khu vực nhỏ trong thung lũng tự nhiên của sông Meuse.

Các vòng đê bảo vệ các khu vực dễ bị lũ lụt theo các cấp độ bảo vệ được xác định trước. Các mức bảo vệ này dựa trên phân tích chi phí – lợi ích được một ủy ban chuyên trách thực hiện sau thảm họa lũ lụt năm 1953 đối với khu vực kinh tế quan trọng nhất của đất nước.

Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo vệ hiện tại được đảm bảo bởi các quy định riêng liên quan đến Luật Nước. Những quy định này yêu cầu các điều kiện thiết kế thủy lực phải được thiết lập lại sau mỗi 6 năm. Thông qua quy trình này, độ tin cậy của công trình phòng chống lũ lụt và việc bảo trì chúng được đảm bảo, trong khi khả năng thích ứng với hoàn cảnh thay đổi được tích hợp bằng việc đánh giá lại thường xuyên các điều kiện thiết kế. Do đó, xác suất hư hỏng của các công trình này được đánh giá là khá ổn định trước tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng.

Mặt khác, các trận lũ lụt ở sông Rhine và sông Meuse vào các năm 1993 và 1995, tiếp tục gây ra sự thay đổi thái độ đối với việc quản lý sông ngòi tại Hà Lan và mở đường cho dự án “Room for the River”. Với những trận lũ lớn xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn, các quan chức Hà Lan đã đi tới kết luận rằng việc dựng rào chắn và đào kênh không còn đủ để quản lý nguồn nước từ sông.

Do đó, một ý tưởng mới đã được hình thành xoay quanh việc dành nhiều không gian hơn cho dòng chảy tự nhiên của các con sông lớn thay vì tăng chiều cao của đê. Vào năm 2007, nước này chính thức khởi động chương trình “Room for the River” trị giá 2,7 tỷ USD bao gồm việc thiết kế 30 dự án kiểm soát lũ lụt dọc theo sông Maas và Rhine bằng cách tạo ra các lưu vực mô phỏng lại các bãi bồi tự nhiên.

Một niềm tự hào nữa của người Hà Lan là đê chắn sóng biển Eastern Scheldt. Đê chắn sóng biển này có thể đóng mở, nhằm ngăn chặn nước tràn vào từ Biển Bắc.

tm-img-alt
Đập chắn sóng tự động Maeslantkering. (Ảnh: Pinterest)

Hà Lan thậm chí còn chế tạo ra máy tạo sóng tự nhiên lớn nhất thế giới. Dự án trị giá 26 triệu Euro có thể tạo ra các con sóng cao tới 5 mét, giúp thử nghiệm nhiều hệ thống chống lũ khác nhau.

Không chỉ thành công trong việc ứng phó với lũ lụt, Hà Lan cũng đang xuất khẩu công nghệ này tới nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện có 2.500 doanh nghiệp Hà Lan đang hoạt động trong ngành công nghiệp thủy lợi, đem lại doanh thu mỗi năm 17 tỷ Euro. Các chuyên gia của Hà Lan đứng trên tuyến đầu trong việc hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó với tình trạng nước biển xâm lấn.

Hà Lan hiện cũng đang nghiên cứu công nghệ giúp canh tác nông nghiệp và sản xuất năng lượng từ nước biển.

Ở Hà Lan, việc bảo vệ đất nước trước những mối nguy cơ từ biển giờ không còn là câu chuyện ở tầm quốc gia nữa. Nó đã đi vào câu chuyện hàng ngày của người dân khi trẻ em từ nhỏ cũng cũng được dạy phải bảo vệ quốc gia trước những nguy cơ từ nước biển dâng cao.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích