Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt

MTĐT –  Thứ tư, 08/09/2021 15:19 (GMT+7)

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đề xuất một số bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam

Bài báo tập trung nghiên cứu một số kinh nghiệm quốc tế (tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch) về phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt. Nội dung nghiên cứu được tiếp cận dưới góc độ chuyên ngành kinh doanh thương mại gồm: 1) Quản lý nhà nước phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt; 2) Thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; 3) Phân loại rác thải sinh hoạt. Bài báo đề xuất một số bài học kinh nghiệm phát triển thị trường dịch vụ rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là sản phẩm, dịch vụ công ích [Danh mục B, 4], vì vậy Nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội về các hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH. Cụ thể: 1) Nhà nước đầu tư tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH; 2) Nhà nước thành lập doanh nghiệp (do Nhà nước làm chủ sở hữu) để thực hiện thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH; 3) Nhà nước bù giá cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH. Quy định này có tác động xuyên xuốt đến các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH (sau đây gọi là dịch vụ CTRSH).

Quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong nước đã làm phát sinh lượng lớn CTRSH, nếu năm 2010, lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc khoảng 44.400 tấn/ngày [2] thì đến năm 2019 là khoảng 64.221 tấn/ngày [3]; Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển CTRSH trên cả nước còn ở mức thấp (năm 2013 đạt khoảng 83,5 – 84%, năm 2017 đạt khoảng 85,5%), công nghệ xử lý CTRSH chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh (chiếm khoảng 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom) [3]. Phần lớn CTRSH được thu gom chưa được phân loại, làm sạch.

Đến nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường dịch vụ CTRSH có sự tham gia của các doanh nghiệp với 100% vốn đầu tư nước ngoài, từ đó đòi hỏi thị trường dịch vụ CTRSH bên cạnh sự quản lý của Nhà nước cần phát triển theo cơ chế thị trường.Việc xác định những vấn đề tồn tại xung quanh các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH rất quan trọng. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dịch vụ CTRSH và đề xuất một số bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam là hết sức cần thiết. Bài báo sẽ tập trung nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về: 1) Quản lý nhà nước phát triển thị trường dịch vụ CTRSH; 2) Thu phí xử lý CTRSH theo khối lượng phát sinh; 3) Phân loại CTRSH. Từ các kết quả nghiên cứu, bài báo sẽ đề xuất một số bài học kinh nghiệm để phát triển thị trường dịch vụ CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, chuyên đề “Quản lý CTRSH” đã phân tích các nội dung liên quan đến CTRSH, nhận định các thách thức trong quản lý CTRSH và đề xuất các nhóm giải pháp cũng như một số giải pháp ưu tiên để xử lý các điểm nóng về quản lý CTRSH. Báo cáo cũng đề cập đến kinh nghiệm quốc tế trong quản lý CTRSH, chủ yếu xoay quanh các nội dung về: 1) Xây dựng cơ chế, chính sách: 2) Sử dụng công cụ tài chính; 3) Thúc đẩy thị trường tái chế, tái sử dụng; 4) Phát triển ngành Công nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bản báo cáo này có nhiều nét tương đồng để sử dụng trích dẫn các tài liệu về công tác quản lý CTRSH trong nước.

Báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2019 với nội dung chính là diễn biến chất lượng môi trường, đa dạng sinh học và tổ chức thực hiện công tác BVMT, trong đó, CTRSH được nhắc đến là một trong những nội dung để quản lý chất thải nói chung.

Đề tài “Khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý CTR và nước thải tại các đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam”, do Phạm Văn Đức – Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm, thực hiện năm 2012. Đề tài khái quát hiện trạng công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam, công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam và trên thế giới; Đề xuất công nghệ xử lý CTRSH phù hợp điều kiện Việt Nam.

Đề tài “Đánh giá và định hướng lựa chọn công nghệ thích hợp sản xuất phân vi sinh từ chất thải rắn (CTR) cho các đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng thực hiện năm 2004. Đề tài đánh giá công nghệ sản xuất phân vi sinh hiện có trong nước và nước ngoài, đưa ra các hướng lựa chọn công nghệ phù hợp với đặc điểm, tính chất CTRSH đô thị Việt Nam cũng như điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam.

Luận án “Lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp CTR trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam”, của tác giả Lưu Đức Cường, thực hiện năm 2009 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đánh giá thực trạng lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp CTR ở Việt Nam, xây dựng cơ sở khoa học và đề xuất các tiêu chí, nguyên tắc, phương pháp, quy trình lựa chọn bãi chôn lấp CTR phù hợp điều kiện Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.

Luận án “Mô hình và giải pháp quản lý CTRSH theo hướng xã hội hoóa cho một số đô thị Bắc Trung bộ Việt Nam (Nghiên cứu thí điểm cho thành phố Vinh)”, thực hiện năm 2015 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội của tác giả Nguyễn Viết Định đã tập trung vào thực trạng và chủ thể công tác quản lý CTRSH tại một số đô thị, hướng đến giải pháp xã hội hóa quản lý CTRSH.

Các báo cáo, đề tài nghiên cứu, luận án, bài báo chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Một số cơ sở khoa học về quản lý CTR, CTRSH; Thực trạng và công tác quản lý CTRSH tại một số đô thị ở Việt Nam; Kinh nghiệm quản lý CTRSH ở một số đô thị trong nước và nước ngoài; Các công nghệ xử lý CTR, CTRSH ở Việt Nam và thế giới; Một số tồn tại trong các văn bản về quản lý CTRSH hiện hành; Đề xuất giải pháp quản lý CTRSH đô thị… chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến thị trường dịch vụ CTRSH dưới góc độ chuyên ngành kinh doanh thương mại, đây là khoảng trống rõ nhất để bài báo nghiên cứu và có những đóng góp mới về thực tiễn so với các công trình nghiên cứu trước đây.

Trong phạm vi nghiên cứu này, bài báo sẽ kế thừa lý luận về các yếu tố hình thành thị trường để triển khai nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế có liên quan, như: 1) Quản lý nhà nước về thị trường dịch vụ CTRSH; 2) Cầu trong thị trường dịch vụ CTRSH, sẽ triển khai nội dung liên quan đến phát sinh và phân loại CTRSH; 3) Giá trong thị trường dịch vụ CTRSH, sẽ triển khai nội dung liên quan đến việc cải thiện nguồn thu phí xử lý CTRSH. Trên cơ sở kết quả và thảo luận, bài báo sẽ đề xuất một số bài học kinh nghiệm để phát triển thị trường dịch vụ CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử: Tìm hiểu, đánh giá kinh nghiệm quốc tế có liên quan về thị trường dịch vụ CTRSH trong đó: 1) Xem xét điều kiện kinh tế – xã hội và khu vực của các nước nghiên cứu; 2) Sự tương tác giữa các vấn đề nghiên cứu có liên quan đến thị trường dịch vụ CTRSH; 3) Xem xét sự tương đồng giữa các nước nghiên cứu với điều kiện kinh tế – xã hội tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu tài liệu tại bàn:Tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học, báo, tạp chí, giáo trình chuyên ngành có liên quan đến chủ đề nghiên cứu, từ đó có những số liệu đối chiếu với các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH tại các nước nghiên cứu và trong nước.

Phương pháp phỏng vấn:Thực hiện trực tiếp với một số chuyên gia tại Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam xung quanh nội dung: 1) Giá dịch vụ CTRSH; 2) Phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH; 3) Công nghệ xử lý, khu xử lý CTRSH trong nước. Ba nội dung này sẽ được dùng làm căn cứ để đề xuất bài học kinh nghiệm vận dụng cho phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại Việt Nam.

Phương pháp tổng hợp, thống kê và phân tích kinh tế: Tổng hợp từ kết quả và thảo luận, đặc biệt là nội dung các thảo luận đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển thị trường dịch vụ CTRSH, căn cứ vào mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ CTRSH, tác giả đề xuất một số bài học kinh nghiệm vận dụng cho phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại Việt Nam

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phát triển thị trường dịch vụ CTRSH

4.1.1. Kinh nghiệm của Singapore về quản lý nhà nước phát triển thị trường dịch vụ CTRSH [9], [11].

Singapore tổ chức chính quyền quản lý theo mô hình chính quyền 1 cấp, chất thải là một bộ phận trong hệ thống quản lý môi trường của quốc gia và chỉ chịu sự quản lý của Chính phủ. Thị trường xử lý CTR ở Singapore có sự tham gia quản lý của Cơ quan Quản lý môi trường quốc gia (NEA); NEA có chức năng: 1) Lập kế hoạch, phát triển và quản lý chất thải phát sinh; 2) Cấp giấy phép cho lực lượng thu gom chất thải; 3) Ban hành những quy định trong việc thu gom chất thải hộ gia đình và chất thải thương mại trong 9 khu và xử lý những hành vi vứt rác không đúng quy định; 4) Xúc tiến thực hiện 3R (tái chế, tái sử dụng và giảm sự phát sinh chất thải) để bảo tồn tài nguyên; NEA chỉ đóng vai trò điều tiết giá tại các khu xử lý CTR, đảm bảo các khu xử lý có sự bền vững về tài chính, đồng thời điều tiết lượng CTR đi vào các khu xử lý. Hợp đồng xử lý CTR ở các khu xử lý rác đủ thời gian để khấu hao nhà máy xử lý.

Tại Singapore, nhiều năm qua đã hình thành một cơ chế thu gom rác rất hiệu quả. Việc thu gom rác được tổ chức đấu thầu công khai cho các nhà thầu. Công ty trúng thầu sẽ thực hiện công việc thu gom rác trên một địa bàn cụ thể trong thời hạn 7 năm. Trong số các nhà thầu thu gom rác hiện nay tại Singapore, có 4 nhà thầu thuộc khu vực công, còn lại thuộc khu vực tư nhân. Các nhà thầu tư nhân đã có những đóng góp quan trọng trong việc thu gom rác thải, khoảng 50% lượng rác thải phát sinh do tư nhân thu gom, chủ yếu là rác của các cơ sở thương mại, công nghiệp và xây dựng. Chất thải của khu vực này đều thuộc loại vô cơ nên không cần thu gom hàng ngày.

Thêm vào đó, giá chi phí dịch vụ thu gom tại các khu thương mại sẽ là giá đấu thầu của công ty thắng thầu. Cách xây dựng phí của Singapore là người dân phải trả toàn bộ chi phí để quản lý CTR đô thị, Nhà nước không bao cấp và hỗ trợ. Phí cho dịch vụ thu gom rác được cập nhật trên internet công khai để người dân có thể theo dõi. Thực hiện cơ chế thu nhận ý kiến đóng góp của người dân thông qua đường dây điện thoại nóng cho từng đơn vị thu gom rác để đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng phát sinh rác và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cơ quan quản lý môi trường quốc gia qui định các khoản phí về thu gom rác và đổ rác với mức 6 – 15 đô la Singapore mỗi tháng, tùy theo phương thức phục vụ (15 đôla đối với các dịch vụ thu gom trực tiếp, 6 đôla đối với các hộ được thu gom gián tiếp qua thùng chứa rác công cộng ở các chung cư). Đối với các nguồn thải không phải là hộ gia đình, phí thu gom được tính tùy vào khối lượng rác phát sinh có các mức 30 – 70 – 175 – 235 đô la Singapore mỗi tháng.

4.1.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc về thu phí xử lý CTRSH theo khối lượng [8].

Tại Hàn Quốc, việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng đã được áp dụng từ những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ XX. Trước khi áp dụng thu phí xử lý chất thải theo khối lượng vào năm 1995, Hàn Quốc đã có giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu khả thi rất kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng và tổ chức các cuộc họp để thông báo cho người dân về chính sách mới này. Hoạt động thí điểm đã được thực hiện vào năm 1994, một số quận ở Seoul đã thử nghiệm áp dụng việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng để xem liệu hệ thống này có hoạt động tốt hay không.

Việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng được xác định là công cụ để phát triển thị trường thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH. Để việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng được thực hiện, đòi hỏi người dân phải mua một túi nhựa đặc biệt để đựng chất thải, nếu chất thải nhiều, bạn phải mua một túi nhựa lớn hơn với chi phí cao hơn, về cơ bản, nó cung cấp một động lực cho người dân để giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy tái chế nhiều hơn. Việc tính giá của túi nhựa đặc biệt để đựng chất thải sinh hoạt được xác định theo quy định của địa phương, giá giữa các thành phố khác nhau nhưng không có nhiều sự khác biệt. Giá cơ bản được xác định khi xem xét các chi phí xử lý chất thải, tình trạng tài chính của chính quyền địa phương và mức sống của người dân.

Lợi nhuận từ việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng được sử dụng để chi trả cho việc xử lý chất thải. Trên thực tế, việc lợi nhuận từ thu phí xử lý chất thải theo khối lượng chiếm khoảng 30% – 40% chi phí xử lý chất thải, vì vậy vẫn cần sự trợ cấp từ Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng thực sự đã thay đổi nhận thức của công chúng về chất thải, mọi người cố gắng giảm thiểu chất thải và họ thích sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi của người dân với chất thải.

Sự ra đời của việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng đã tạo ra 3 tác động rất quan trọng đối với việc quản lý chất thải: 1) Thúc đẩy phân loại chất thải tại nguồn để giảm khối lượng chất thải trong túi rác, người dân phải phân loại rác thải, nếu chất thải là rác tái chế, họ sẽ bỏ vào thùng rác tái chế và được miễn phí; 2) Sau khi rác thải được phân loại đầu nguồn, lượng chất thải được gửi đến bãi rác đã giảm đáng kể, và quan trọng nhất là làm tăng tỷ lệ tái chế; 3) Để thúc đẩy tái chế, các chất thải có thể tái chế không yêu cầu sử dụng túi nhựa trả trước, người dân có thể loại bỏ các vật liệu tái chế miễn phí.

4.1.3. Kinh nghiệm của Nhật Bản về việc phân loại chất thải nhựa và chất thải hữu cơ trong sinh hoạt [6], [10].

Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải phức tạp hơn các quốc gia khác trên thế giới, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác tiến hành rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại.

Hệ thống phân loại rác của Nhật Bản tương đối phức tạp, mỗi thành phố, thị trấn và quận đều có một hệ thống hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, tại 23 khu phố ở Tokyo có hệ thống phân loại rác riêng, tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương, trong khi giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh,… đựng trong túi màu trắng. Ở nơi công cộng, Chính phủ đặt nhiều thùng thu gom theo từng loại rác khác nhau trên đường phố và hầu hết số rác đó được tái chế. Ở các khu dân cư, vấn đề rác thải được quản lý rất chi tiết và theo quy định riêng của mỗi khu phố.

Tuy nhiên, một thứ mà Nhật Bản đang tái chế rất tốt là chai lọ PET (nhựa), loại chai thường thấy ở hầu hết các máy bán hàng tự động. Nhật Bản sử dụng một hệ thống có thể làm tan chảy nhựa của loại chai lọ này và biến nó thành nhựa nguyên chất. Loại nhựa này có thể tái sử dụng thành các chai lọ PET mới và các đồ dùng khác như quần áo và thảm. Thành công của sáng chế tái chế này lí giải tại sao thùng rác nhựa PET là loại bạn thấy nhiều nhất trên đường phố Nhật Bản.

Ở các ga tàu, thường thấy một dãy các thúng rác và trên mỗi thùng là chữ viết hoặc biểu tượng cho biết loại rác có thể vứt vào. Thùng đựng rác có thể tái chế là loại thấy nhiều nhất, nhưng ở vài nơi cũng có loại thùng rác thông thường cho phép vứt cả nhựa có thể cháy và giấy bỏ đi. Các cửa hàng tiện lợi cũng có nhiều loại thùng rác dành cho nhiều loại rác thải khác nhau và đây là lựa chọn tốt nhất. Một lựa chọn khác để xử lý rác giống như hầu hết người Nhật bản địa là mang về nhà để có thể xử lý chính xác nhất.

4.1.4. Kinh nghiệm của Đan Mạch về việc quản lý chất thải có thể tái chế được [6].

Ở Đan Mạch, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, họ sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt.

Tại Nhà máy Vestforbraending ở Copenhagen, nhà máy xử lý chất thải kiểu mới lớn nhất của Đan Mạch, xe tải chở chất thải phải dừng lại ở trạm cân xe trước khi vào nhà máy đổ rác. Rác được kiểm tra ngẫu nhiên để phát hiện chất thải có thể tái chế được và người vi phạm bị phạt rất nặng.

Ở thành phố Horsholm, chỉ có 4% rác thải được đưa tới bãi rác và 1%, gồm hoá chất, sơn và chất thải điện tử, được chuyển tới bãi chôn rác đặc biệt, 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy biến chất thải thành năng lượng. Những nhà máy này sử dụng nhiều thiết bị sàng lọc mới, loại những chất có thể gây ô nhiễm trước khi đưa vào lò đốt. Mức ô nhiễm trong khói của các nhà máy này thấp hơn tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của châu Âu từ 10% – 20%. Những chất thải có thể gây ô nhiễm được xử lý theo phương pháp riêng, chứ không đem chôn lấp.

4.2. Thảo luận

Bài báo đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dịch vụ CTRSH được thực hiện tại các nước có nền kinh tế – xã hội phát triển, từ đó, đòi hỏi việc nghiên cứu các kinh nghiệm phải được sàng lọc kỹ càng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong nước. Nội dung nghiên cứu là các hoạt động liên quan và các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH. Các nội dung nghiên cứu được thực hiện ở giai đoạn đã hoàn thiện và được áp dụng rộng rãi nên chỉ áp dụng kinh nghiệm theo mô hình đã tổ chức thành công, chưa học hỏi được kinh nghiệm từ quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Ở Việt Nam hiện nay, công tác quản lý CTRSH đang giao cho nhiều bộ, ngành (sở, ngành tại các địa phương) quản lý: Tại cấp trung ương giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng [5]; Tại các địa phương có 35 tỉnh/thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc UBND cấp tỉnh trong vấn đề quản lý CTRSH; 20 tỉnh/thành phố giao Sở TNMT là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc UBND trong vấn đề quản lý CTRSH; 8 tỉnh/thành phố giao cho cả 2 đơn vị trong việc tham mưu giúp việc UBND cấp tỉnh về quản lý CTRSH [3]. Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2019, trong đó giao Bộ TNMT là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về CTR, một số địa phương đã bắt đầu định hướng giao cho Sở TNMT là cơ quan chuyên môn giúp việc; Tuy nhiên, các địa phương đều đề nghị để thực hiện tốt việc này cần sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và sửa đổi Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Như vậy, từ kinh nghiệm quản lý CTR tại Singapore và đối chiếu với công tác tổ chức quản lý CTR trong nước cho thấy, đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giao Bộ TNMT là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CTR. Tuy nhiên, nội dung này đang gặp phải một số vấn đề về quy định pháp luật, cần hoàn thiện và sửa đổi để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về CTR.

Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH là sản phẩm, dịch vụ công ích [Danh mục B, 4], theo đó, Nhà nước bù giá cho các hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH và chi trả toàn bộ chi phí để xử lý CTRSH. Đối chiếu với kinh nghiệm tại Singapore, khi người dân phải trả toàn bộ chi phí để quản lý CTR; Tại Hàn Quốc, Chính phủ vẫn hỗ trợ khoảng 60% chi phí xử lý CTR, để giảm sự trợ cấp từ Nhà nước, Hàn Quốc thực hiện thu phí xử lý CTR theo khối lượng, giải pháp này vừa giảm thiểu lượng CTR phát sinh, vừa thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải. Tại Việt Nam đã có các quy định về nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng nguồn thu từ dịch vụ CTRSH, giảm dần gánh nặng trợ giá từ ngân sách nhà nước.

Trong những năm qua, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng thành lập mới, nhưng các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ (vốn, công nghệ – thiết bị, lao động, phạm vi hoạt động) [7] và chủ yếu cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH (hoạt động tái chế, xử lý CTRSH thường do doanh nghiệp nhà nước thực hiện) [12]. Các doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước đặt hàng và giao kế hoạch thực hiện cung ứng dịch vụ CTRSH [4], những địa bàn còn lại, Nhà nước cho thực hiện đấu thầu rộng rãi. Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ tại các điểm thu gom rác thải do chính quyền địa phương cấp tỉnh và thành phố chỉ định [1], các doanh nghiệp này có quy mô vốn lớn và công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu tái chế, xử lý CTRSH.

Tỷ lệ thu gom, vận chuyển CTRSH còn thấp, nếu như năm 2010 đạt 81% thì đến năm 2017 mới đạt được 85,5%, trong đó khu vực thành thị có tỷ lệ thu gom, vận chuyển CTRSH cao, khoảng 92% (có nơi đạt 100%) nhưng tỷ lệ thu gom, vận chuyển CTRSH khu vực nông thôn mới đạt khoảng 66% [3]; CTRSH được thu gom chưa được phân loại là chủ yếu, vấn đề này cần sự đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ nguồn thải và đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm 71% tổng lượng CTRSH được thu gom nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã [3].

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên như: 1) Cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường dịch vụ CTRSH vừa thiếu, vừa không đồng bộ, vừa xuống cấp; 2) Năng lực cung ứng dịch vụ CTRSH của các doanh nghiệp chưa cao; 3) Quy định pháp luật về chất lượng dịch vụ CTRSH chưa rõ ràng, chưa cụ thể, còn chồng chéo; 4) Thông tin thị trường dịch vụ CTRSH chưa được công khai, minh bạch,… Theo tác giả, thị trường dịch vụ CTRSH ở trong nước cơ bản mới giải quyết được lợi ích vệ sinh môi trường, để tiến tới các lợi ích về kinh tế – xã hội đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ về năng lực cung ứng dịch vụ CTRSH, chất lượng dịch vụ CTRSH và phát triển các sản phẩm tái chế từ xử lý CTRSH.

Đối chiếu với kinh nghiệm tại Singapore, khi các doanh nghiệp có sự cạnh tranh, không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước và thông qua đấu thầu công khai, các gói thầu thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sẽ được giao cho công ty có giá trúng thầu; Thời gian các gói thầu được chính quyền giao đủ lâu để các nhà máy, công nghệ, thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR khấu hao theo quy định; Thông tin về phí dịch vụ được công khai trên phương tiện đại chúng, người dân được tham gia giám sát vào quá trình thu gom rác bằng việc tiếp nhận ý kiến thông qua đường dây nóng, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng phát sinh rác và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ đó, đặt ra các vấn đề để phát triển thị trường dịch vụ CTRSH trong nước, như: 1) Tăng cường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ CTRSH; 2) Phát triển quy mô, năng lực cung ứng của thị trường dịch vụ CTRSH; 3) Quy định pháp luật phát triển thị trường dịch vụ CTRSH phải rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo.

Đối chiếu với kinh nghiệm phân loại chất thải nhựa và chất thải hữu cơ trong sinh hoạt tại Nhật Bản và chất thải có thể tái chế được tại Đan Mạch cho thấy, Việt Nam chưa thể đầu tư hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt hiện đại, vì liên quan đến nguồn lực tài chính và cần phải xem xét sự đồng bộ về công nghệ thu gom, vận chuyển so với hệ thống phân loại. Bên cạnh đó, CTRSH chưa được phân loại là chủ yếu nên các chất thải có thể tái chế được phần lớn vẫn được chôn lấp tại các bãi rác. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt vừa nghiên cứu tại Nhật Bản và Đan Mạch cho thấy, sự thành công của hoạt động này, bên cạnh yếu tố công nghệ thì ý thức của người dân trong phân loại rác thải sinh hoạt và tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý CTR đóng vai trò quan trọng, bên cạnh đó, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định về phân loại CTR đủ nặng để mang tính dăn đe, từ đó làm thay đổi nhận thức và hành vi trong cộng đồng.

5. Đề xuất một số giải pháp

Bài báo đã nghiên cứu một số kinh nghiệm xoay quanh các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạnh, tác giả nhận thấy, có nhiều bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại Việt Nam. Tuy nhiên, bài báo nghiên cứu kinh nghiệm về quản lý CTR ở những nước có nền kinh tế – xã hội phát triển, quản lý nhà nước về CTRSH đã hoàn thiện, ý thức của người dân về phối hợp quản lý CTRSH rất tốt, vì vậy, trong phạm vi bài báo này, chỉ đề xuất một số bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội ở trong nước nói chung và phát triển thị trường dịch vụ CTRSH nói riêng.

Một là, đối với tổ chức quản lý nhà nước, phát triển thị trường dịch vụ CTRSH nên tập trung vào một đầu mối từ cấp Trung ương đến các địa phương; Theo đó, kiến nghị điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về quản lý CTRSH, giao Bộ TNMT là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CTRSH, từ đó, làm cơ sở để thống nhất với các Sở/ngành quản lý nhà nước về CTRSH tại các địa phương.

Hai là, đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ CTRSH, từng bước áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ CTRSH và chất lượng sản phẩm tái chế từ xử lý CTRSH; Nên tránh việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH mà cần nâng cao năng lực, quy mô, sức cạnh tranh của đơn vị tham gia cung ứng dịch CTRSH.

Ba,nên để thời gian các gói thầu đối với hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH là 5 năm hoặc 7 năm, tránh việc thời gian thực hiện các gói thầu cung ứng dịch vụ ngắn, không đủ thời gian khấu hao công nghệ, thiết bị khiến doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH không thể yên tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị cung ứng dịch vụ CTRSH, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tỷ lệ thu gom, vận chuyển CTRSH.

Bốn là, nên sớm tiến hành thu phí vệ sinh theo khối lượng CTRSH, việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và khuyến khích người dân giảm thiểu CTRSH, thúc đẩy tái chế CTRSH. Lưu ý, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH phải được tính đúng, tính đủ các chi phí thực hiện, trước tiên, tiến hành thu thí điểm tại các khu thương mại; Trong khu vực dân cư, phí vệ sinh cần được tính làm nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào phương thức phục vụ, tránh việc thay đổi giá dịch vụ một cách đột ngột. Cần có lộ trình cụ thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có thực hiện thí điểm để tạo sự đồng thuận, rút kinh nghiệm kịp thời, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Năm là, cần công khai, minh bạch thông tin về thị trường dịch vụ CTRSH trên cơ sở thông tin về thị trường dịch vụ CTRSH được xây dựng, cập nhật và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và của địa phương để cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư cùng theo dõi; Đề xuất một số nội dung cần công khai như sau: Danh sách các dự xử lý CTRSH; Lượng CTRSH phát sinh tại các địa phương; Giá dịch vụ CTRSH áp dụng tại các địa phương; Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH; Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH vi phạm quy định pháp luật về BVMT; Chủ nguồn thải CTRSH vi phạm quy định pháp luật về BVMT. Cần có kênh thông tin tiếp nhận ý kiến về chất lượng dịch vụ CTRSH.

Sáu là, cần công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH, theo đó, dần hạn chế hình thức đặt hàng/ giao kế hoạch cung ứng dịch vụ CTRSH cho các doanh nghiệp nhà nước, tiến tới để giá đấu thầu quyết định đơn vị trúng thầu.

Bảy, đối với các chủ nguồn thải phát sinh CTRSH cần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cùng nâng cao ý thức, hành vi BVMT trên nguyên tắc mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và người gây ô nhiễm cùng người hưởng lợi đều phải trả tiền. Hoạt động này cần tiến hành thường xuyên, liên tục, đổi mới các hình thức tuyên truyền trên phạm vi cả nước và được lồng ghép trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, không nên làm theo kiểu hô hào, khẩu hiệu.

Tám là, tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các chủ thể thị trường dịch vụ CTRSH để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, xem xét xử phạt các chủ thể của thị trường dịch vụ CTRSH theo hình thức lũy tiến, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm; Đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH cần xem xét bổ sung đến việc đình chỉ hoạt động nếu để xảy ra vi phạm nhiều lần.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Bộ Công Thương (2009), “Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc”, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

[2] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2011- Chất thải rắn, Hà Nội.

[3] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019- Chuyên đề Quản lý Chất thải rắn sinh hoạt, Hà Nội.

[4] Chính phủ (2013), Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về Sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2013.

[5] Chính phủ (2015), Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, ban hành ngày 24 tháng 4 năm 2015.

[6] Đỗ Thị An Giang (2018), Kinh nghiệm về ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 quản lý và xử lý rác thải trên thế giới, <http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21077>,.

[7] Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (2019), Báo cáo Đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành Công nghiệp môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế, Hà Nội.

[8] Hàn Trần Việt (2020), Mô hình thu phí chất thải rắn dựa trên lượng thải – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, <http://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23/M%C3%B4-h%C3%ACnh-thu-ph%C3%AD-ch%E1%BA%A5t-th%E1%BA%A3i-r%E1%BA%AFn-d%E1%BB%B1a-tr%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-th%E1%BA%A3i—Kinh-nghi%E1%BB%87m-t%E1%BB%AB-H%C3%A0n-Qu%E1%BB%91c-14262>.

[9] Trần Ngọc Ngoạn (2016), Hợp tác công tư trong lĩnh vực dịch vụ môi trường đô thị – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, truy cập tại <http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=H%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-c%C3%B4ng-t%C6%B0-trong-l%C4%A9nh-v%E1%BB%B1c-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A5-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91%C3%B4-th%E1%BB%8B—-Kinh-nghi%E1%BB%87m-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-v%C3%A0-b%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-cho-Vi%E1%BB%87t-Nam-40291>.

[10] Miyuki Satakek (2019), Những điều cần biết về rác thải và tái chế ở Nhật Bản, < https://www.tsunagujapan.com/vi/everything-you-need-to-know-about-garbage-in-japan/>,.

[11] Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (2010), Kinh nghiệm quản lý chất thải rắn tại Singapore, <https://kinhnghiemsingapore.wordpress.com/2010/12/10/kinh-nghi%E1%BB%87m-qu%E1%BA%A3n-ly-ch%E1%BA%A5t-th%E1%BA%A3i-r%E1%BA%AFn-t%E1%BA%A1i-singapore/>.

[12] Tài liệu phỏng vấn chuyên gia tại Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Xây dựng (2004). Đánh giá và định hướng lựa chọn công nghệ thích hợp sản xuất phân vi sinh từ CTR cho các đô thị Việt Nam.

2. Lưu Đức Cường (2009). Lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp CTR trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam, Luận án tiến sỹ quản lý đô thị và công trình, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

3. Nguyễn Viết Định (2015). Mô hình và giải pháp quản lý CTRSH theo hướng xã hội hóa cho một số đô thị Bắc Trung bộ Việt Nam (Nghiên cứu thí điểm cho thành phố Vinh), Luận án tiến sỹ quản lý đô thị và công trình, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

4. Nguyễn Hoài Nam (2018). Phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam, Luận án tiến sỹ Kinh tế phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

5. Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (2012). Khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý CTR và nước thải tại các đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam.

6. Ngân hàng Thế giới (2018). Đánh giá công tác quản lý CTRSH và chất thải công nghiệp nguy hại. Các phương án và hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia. Nhà xuất bản Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam.

7. Chính phủ (2019), Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019, Hà Nội.

8. Minh Hà (2019). Quản lý và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển, < http://consosukien.vn/quan-ly-va-xu-ly-chat-thai-ran-o-viet-nam-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-cac-nuoc-phat-trien.htm>. Nguyễn Trung Thắng (2020). Tổng quan về quản lý chất thải rắn trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam, < https://congnghiepmoitruong.vn/tong-quan-ve-quan-ly-chat-thai-ran-tren-the-gioi-va-mot-so-giai-phap-cho-viet-nam-5444.html>.

9. Hoàng Văn Vy (2021). Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020”, Bộ Công Thương Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, tổ chức ngày 16/4/2021, 5-12.

10. Lê Minh Đức (2021). Luật và Nghị đinh về BAT. “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020”, Hội thảo do Bộ Công Thương, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, tổ chức ngày 16/04/2021, 12-22.

International experiences in developing collection, transportation and treatment services for domestic waste and some suitable lessons for Vietnam

Master. Nguyen Duy Thai

Vietnam Environmental Industry Association

ABSTRACT:

The paper presents and examines international experiences from Singapore, Korea, Japan and Denmark in developing domestic waste service markets. The paper is conducted with the perspective of commercial business and the paper’s contents consist of 1) State management and development of domestic waste service market; 2) Collection of daily-life waste treatment fees under a volume-based system; and 3) Separation of domestic waste. This paper highlights some lessons learned about the domestic waste service market development in accordance with the practical conditions of Vietnam.

Keywords: international experience, service market, domestic waste, lessons learned.

ThS. NGUYỄN DUY THÁI (Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích