Kim tự tháp chứa nhiều “bẫy bí mật” nhằm đánh lạc hướng kẻ trộm báu vật
Ở thời cổ đại, khi vừa xây dựng, kim tự tháp có vẻ ngoài khác xa với ngày nay, bên trong chứa cấu trúc bí mật nhằm đánh lạc hướng những kẻ muốn tới lấy trộm kho báu.
Các kim tự tháp Ai Cập “mọc lên” giữa những bãi cát ở Giza là minh chứng rõ nét cho bàn tay khéo léo và khối óc sắc bén của người cổ đại. Những công trình kiến trúc vĩ đại này đã tồn tại hàng nghìn năm.
Trải qua hàng thiên niên kỷ, các kim tự tháp ngày nay đã thay đổi diện mạo đáng kể so với thời điểm chúng vừa được xây dựng. Vậy thời gian đầu, trông chúng thế nào?
Theo ông Mohamed Megahed, trợ lý giáo sư ở Viện Ai Cập học tại Đại học Charles ở Prague, kim tự tháp Ai Cập cổ đại không có màu vàng nâu như ngày nay. Chúng được bao phủ bởi một lớp đá trầm tích sáng bóng, bọc bằng đá vôi trắng mịn. Dưới ánh sáng mặt trời, lớp bọc đá vôi mang tới cho công trình vẻ ngoài sáng trắng và trơn nhẵn.
Công nghệ tái tạo hình ảnh của kim tự tháp khi mới được xây dựng (Ảnh: Budget Direct). |
Các chuyên gia đến từ bảo tàng quốc gia Scotland cho biết, các công nhân xây dựng đã dùng khoảng 5,5 triệu tấn đá vôi trong quá trình xây dựng đại kim tự tháp Giza.
Công trình còn gọi là kim tự tháp Khufu, đặt theo tên của Pharaoh Khufu – người trị vì Ai Cập cổ đại từ năm 2551 đến 2528 trước Công nguyên. Đây là kim tự tháp cổ nhất và lớn nhất trong số những công trình còn tồn tại ở Giza.
Có những bằng chứng cho thấy, phần đá ốp bị cạy ra để tái sử dụng cho công trình của các Pharaoh khác. Hiện tượng này xuất hiện dưới thời trị vì của Pharaoh Tutankhamun (năm 1336 đến 1327 trước Công nguyên) và việc này tiếp diễn cho tới thế kỷ 12. Trận động đất xảy ra năm 1303 khiến một số khối đá của công trình bị lỏng lẻo.
Hình ảnh hiện tại của các kim tự tháp Ai Cập, nay đã trở thành điểm đến hút khách du lịch (Ảnh: Lonely Planet). |
Lăng mộ của một vị Pharaoh có tên Sennusret II xây vào khoảng năm 1870 trước Công nguyên là công trình ốp đá vôi cao 50m so với bề mặt sa mạc. Tổ hợp mai táng khổng lồ này được cho là từng có nước bao phủ xung quanh.
Khi các chuyên gia khai quật lối vào, Giáo sư Salima Ikram của Đại học Mỹ tại Cairo, có cơ hội tận mắt chứng kiến mê cung đường hầm nằm dưới lòng đất. Nếu những kẻ trộm mộ bước vào đây, chúng có thể tưởng rằng đã tới “đúng đích”. Nhưng Giáo sư Salima cho biết, bên trong được thiết kế để kẻ gian nhầm lẫn. Đó chỉ là “bẫy giả” khiến chúng không tìm thấy được gì.
“Cách làm này vô cùng thông minh. Có hốc tường ở đây như thể là nơi đặt bình chứa nội tạng. Bởi vậy, kẻ trộm mộ sẽ bị đánh lừa. Gần đó là một hốc tường thứ 2. Liệu có phải là lối vào hầm mộ của Pharaoh không”, Giáo sư Salima đặt câu hỏi.
Bên trong kim tự tháp có thể chứa “bẫy giả” đánh lừa kẻ trộm mộ (Ảnh: Insider). |
Vị Giáo sư này nhận định, mọi thứ bên trong kim tự tháp đều nhằm đánh lừa những kẻ trộm mộ để chúng tưởng rằng đã thấy điểm cuối cùng. Những bẫy nhỏ bí mật được thiết kế nhằm ngăn chặn chúng bước vào gian mộ thực sự. Khu mộ giả nằm ở rìa kim tự tháp. Tiếp đến là hàng lang ẩn dẫn tới gian mộ thứ 2.
Đường hầm tiếp tục kéo dài qua kim tự tháp. Cuối cùng mới dẫn tới căn phòng hoành tráng là nơi an nghỉ cuối cùng của Pharaoh.
Khu mộ thật được thiết kế với trần hình vòm đặc trưng, xây từ đá granite hồng vận chuyển từ Aswan về phía nam.
Bề mặt quan tài vẫn nhẵn bóng, nhưng thi thể Pharaoh không còn nữa. Khi đoàn khảo cổ bước vào, họ phát hiện căn phòng đã bị kẻ trộm cướp phá. Ở góc phòng còn sót lại báu vật do kẻ trộm mộ để lại. Đó là tượng một con rắn hổ mang Ai Cập bằng vàng, nhận dạng người sử dụng là Pharaoh.
Ai Cập vẫn đang nỗ lực phục hồi lĩnh vực du lịch chủ chốt của mình, thông qua việc công khai hàng loạt những phát hiện ngành khảo cổ gần đây. Trước đó, ngành du lịch mũi nhọn của nước này bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nội chiến xảy ra từ năm 2011, rồi tiếp đó bị giáng thêm đòn mạnh do Covid-19 gây nên. |
Nguồn: Báo xây dựng