Kim Sơn (Ninh Bình): Giải “cơn khát” nước sạch trong xây dựng nông thôn mới
(Xây dựng) – Những năm qua, các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) do nằm xa trung tâm huyện và ở gần biển nên rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã ưu tiên triển khai nhiều chương trình nước sạch cho các xã này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Huyện Kim Sơn rất chú trọng đến vấn đề chất lượng nước sạch nông thôn trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. |
Vùng bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn gồm 6 xã: Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Hải, Kim Trung và Kim Đông. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện với tổng diện tích nông nghiệp trên 2.792ha; diện tích nuôi trồng thủy sản 1.070ha, chiếm 38,35%. Việc thực hiện chương trình nước sạch cho nông thôn không dễ dàng đối với các xã ven biển, vùng sâu, vùng xa và với các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn cũng không ngoại lệ.
Vấn đề nước sạch trở thành cấp bách đối với người dân vùng bãi ngang Kim Sơn nói chung và Kim Hải nói riêng. Sáu xã vùng bãi ngang ven biển Kim Sơn là nơi khan hiếm nước ngọt. Nguồn nước ngầm ở đây chứa nhiều sắt, biểu hiện rõ nhất là khi đun nước pha trà thì nước chuyển màu, hoặc giặt quần áo thì bị ố vàng. Trong khi đó, nguồn nước mặt thì thường xuyên bị nhiễm phèn do nắng hạn, xâm nhập mặn.
Tại xã Kim Hải, nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn, trước đây tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và trồng trọt diễn ra phổ biến. Đại diện lãnh đạo xã Kim Hải cho biết, Kim Hải còn là một trong những xã nghèo nhất bãi ngang vì đất đai thường bị nhiễm mặn, thuần nông, năng suất thấp so với nơi khác.
Năm 2010, Nhà máy nước Kim Hải được đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia với số vốn gần 14 tỷ đồng, trong đó hơn 12 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đối ứng của người dân gần 1,4 tỷ đồng. Theo dự kiến năm 2013, công trình đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho hơn một nghìn hộ dân trong xã và một số hộ dân ở vùng xung quanh. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên bị tạm dừng đến tháng 7/2017, khiến nhiều năm qua hầu hết các hộ dân trong xã không được dùng nước sạch, phải xây bể dự trữ nước mưa, sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan, nước mặt khác không hợp vệ sinh.
Tại xã Kim Trung, từ những năm 2000, nhân dân đã được hỗ trợ khoan giếng, cứ bình quân 7 hộ dân thì có một hộ được hỗ trợ, sau này do nhu cầu nên người dân đã tự bỏ tiền ra khoan giếng. Đến năm 2010, trên 90% hộ dân ở xã Kim Trung đã có giếng khoan, 15% số hộ đã xây bể lắng lọc, mặc dù các giếng khoan thời điểm đó cho lượng nước tốt nhưng nồng độ sắt hơi cao. Xã đã vận động nhân dân xử lý bằng cách bơm lắng lọc và phơi để tạp chất bay hơi hoặc xử lý bằng thuốc khử trùng.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Ninh Bình, các xã bãi ngang có địa hình gần biển nên không thể đào giếng để phục vụ sinh hoạt, mà phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước mưa có được hàng năm nên vào mùa khô người dân bị thiếu nước nghiêm trọng.
Nhiều công trình nước sạch nông thôn đi vào hoạt động đã phần nào giải “cơn khát” nước sạch ở vùng bãi ngang huyện Kim Sơn. |
Những năm gần đây, trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn, địa phương đã linh hoạt triển khai đầu tư, kết hợp với thực hiện xã hội hóa nhiều công trình cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn. Việc làm này đã góp phần giải quyết tình trạng vừa thiếu vốn đầu tư, vừa giúp tăng số lượng các hộ dân khu vực nông thôn được dùng nước sạch, hợp vệ sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đại diện Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình cho biết, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Ninh Bình về việc bàn giao các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đến tháng 3/2017, công ty tiếp nhận 17 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó 6 công trình xây dựng dang dở. Tháng 8/2017, công ty hoàn thiện trạm cấp nước xã Kim Hải, công trình đã cung cấp nước hợp vệ sinh cho gần một nghìn gia đình trên địa bàn xã và thêm hai xã bên cạnh cũng được hưởng lợi về công trình nước sạch.
Cùng với đó, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều tuyến ống chính về các xã Kim Mỹ, Kim Ðông và thị trấn Bình Minh mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng đủ nguồn nước sạch, hợp vệ sinh cho khoảng ba nghìn hộ dân các xã bãi ngang trên địa bàn huyện Kim Sơn từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Nguồn: Báo xây dựng