Kim Sơn (Ninh Bình): Ai chịu trách nhiệm về chất lượng công trình các dự án Nông thôn mới?
(Xây dựng) – Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang cố gắng phấn đấu để về đích và được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) vào năm 2023. Bên cạnh niềm vui, người dân vùng biển huyện Kim Sơn còn có phần lo lắng về gánh nặng nợ công khi chính quyền cho đầu tư dàn trải công trình mà thiếu đi phần kiểm soát. Đặc biệt là chất lượng các công trình mới đầu tư đang dần bộc lộ những yếu kém về quản lý của cấp chính quyền.
Trụ sở UBND huyện Kim Sơn. |
Ghi nhận của phóng viên đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Kim Sơn đã đầu tư cơ sở vật chất về hạ tầng, điện, đường, trường trạm là khoảng 119 công trình với giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng bằng nguồn vốn của huyện. Nguồn vốn này chủ yếu bằng nguồn đấu giá quyền sử dụng đất của các xã trong huyện.
Theo kế hoạch đã đề ra, để đạt về đích Nông thôn mới ít nhất huyện Kim Sơn sẽ cần từ 1.823 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng nguồn vốn, đây là một con số không hề nhỏ đối với huyện Kim Sơn. Với 24 xã và 01 thị trấn đang ồ ạt triển khai các công trình, toàn huyện như một đại công trường, người dân mừng vì có thêm công trình mới làm thay da đổi thịt ở các vùng quê, lo về chất lượng công trình có phần như thiếu đi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, nhiều nơi chất lượng công trình đang xuống cấp trầm trọng mặc dù huyện vẫn chưa về đích NTM. Một số công trình vừa bàn giao xong đã xuất hiện hư hỏng nặng đang khiến người dân hoài nghi về khả năng quản lý của lãnh đạo và chính quyền địa phương.
Được biết, theo dự toán ngân sách huyện Kim Sơn đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện thông qua ngày 14/12/2021 về việc quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương huyện Kim Sơn 2022 với dự toán thu là 926.577 triệu đồng; dự toán chi là 1.545.310 triệu đồng. Với hàng loạt các dự án đang được đầu tư tại huyện Kim Sơn ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng, dư luận đặt câu hỏi không biết UBND huyện sẽ phải bán bao nhiêu đất để lấy nguồn trả nợ cho các nhà thầu thi công xây lắp? Khi đất chưa bán được mà các công trình đã triển khai rồi thì chính quyền nơi đây sẽ xử lý ra sao?
Qua khảo sát một số công trình của huyện, nhóm phóng viên cũng thật bất ngờ khi những con đường mới được làm bằng bê tông xi măng nhìn bề thế, nhưng vừa bàn giao đưa vào sử dụng đã hư hỏng, bong tróc, lún gãy, điển hình như tại dự án đường xã Cồn Thoi, đường xã Định Hóa, đường xã Yên Lộc…nhìn vào chất lượng các công trình đang dần xuống cấp có thể thấy công tác quản lý chất lượng các công trình nơi đây đang có vấn đề. Liệu huyện có phó mặc cho cấp cơ sở (cấp xã) tự đầu tư, tự lựa chọn nhà thầu, tự quản lý mà thiếu đi sự giám sát. Để tìm câu trả lời cho những băn khoăn lo lắng trên, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện để làm việc, nhưng vị lãnh đạo huyện Kim Sơn trả lời: “Việc này các anh chị nên gặp Ban quản lý dự án của huyện”.
Chất lượng các công trình tại xã Định Hóa, Yên Lộc đang khiến người dân vô cùng bức xúc. |
Theo phản ánh của người dân, UBND huyện là cơ quan chịu trách nhiệm chính, nhưng huyện đã gần như buông lỏng để cho các xã tuỳ tiện tự đầu tư mà không có sự quản lý giám sát, có nơi cho thi công công trình mà người dân và chính quyền không hề biết sẽ lấy nguồn vốn ở đâu để thanh toán cho công trình.
Trao đổi với 01 cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kim Sơn thì được biết, Ban quản lý không được giao nhiệm vụ giúp các xã trong việc thủ tục đầu tư, quản lý dự án và giám sát công trình.
Dư luận đang đặt dấu hỏi về công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình tại huyện Kim Sơn khi các xã ồ ạt đầu tư. Việc kiểm tra giám sát từ các cơ quan chuyên môn, từ lãnh đạo huyện đã được thực hiện như thế nào? Chất lượng các công trình đã và đang xuống cấp ai sẽ chịu trách nhiệm?
Nguồn: Báo xây dựng