Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng 42%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhất kể từ tháng 9/2022
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).
Đối với xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.
Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước là do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước, ước đạt 1,4 tỷ USD.
Tương tự, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng hai đến ba con số như: hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%…
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng trong tháng 1/2024 có phần chững lại hoặc giảm so với tháng trước như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12,1%, ước đạt 5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 0,7%, ước đạt 3,8 tỷ USD; hàng dệt may giữ nguyên ở mức 2,9 tỷ USD; giày dép giảm 0,4%, ước đạt 1,85 tỷ USD…
Nhóm hàng nông thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 – 3,5% so với tháng trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1/2024 khi giá tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm.
Cụ thể, giá cà phê tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn; giá cao su tăng 3,7%…; trong khi giá xuất khẩu phân bón giảm 13,6%, giá chất dẻo giảm 11,7%; giá xơ, sợi dệt các loại giảm 11,7%….
Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 279 triệu USD trong tháng đầu tiên của năm 2024, giảm mạnh 40% so với tháng trước. Các mặt hàng chủ lực trong nhóm này như dầu thô, xăng dầu giảm lần lượt là 12,2% và 51,9%.
Xuất khẩu sẽ khởi sắc trong năm 2024
PGS.TS Doãn Kế Bôn, khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế Trường đại học Thương mại, cho rằng năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không tốt như mọi năm.
Nhưng do cán cân thương mại phụ thuộc vào cả hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu, năm nay xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu giảm sâu hơn nên dẫn tới thặng dư thương mại lớn, con số xuất siêu đạt kỷ lục lên tới 28 tỉ USD.
Cũng theo vị chuyên gia này, xuất siêu giúp Việt Nam ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô, giảm khan hiếm USD trong nước, giúp chúng ta điều tiết chính sách tiền tệ dễ dàng hơn. Nhưng nhập khẩu với Việt Nam có vai trò cung cấp nguyên, phụ liệu, nhiên liệu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Năm nay chúng ta không xuất được nên nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu, thiết bị đầu vào không cao. Hơn nữa, do nền kinh tế khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng thấp theo nhu cầu chung của thế giới.
Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng trong năm 2023 xuất khẩu nhiều ngành hàng có kim ngạch lớn như dệt may, giày da, gỗ, thủy sản đều giảm từ 15 – 30% so với cùng kỳ 2022.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng khẳng định xuất nhập khẩu năm 2023 chưa phải là tín hiệu quá tích cực. Dù nền kinh tế xuất siêu 28 tỉ USD nhưng năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 6,6% so với năm 2022.
Đây cũng là năm duy nhất kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trong 10 năm vừa qua (2013 – 2023), như vậy xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn.
Tín hiệu tích cực với xuất khẩu năm 2023, theo ông Lộc, là quý 4 xuất khẩu đã tăng nhiều hơn trong khi nhập khẩu giảm, tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, điều này làm cho xuất siêu tăng mạnh.
“Trong năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023”, ông Lộc dự báo.
Tương tự, ông Bôn cũng cho rằng xuất khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn 2023 vì lạm phát của Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang giảm. Đây là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đến nay, theo công bố mới nhất thì Mỹ và các nước châu Âu đã kiểm soát được lạm phát, lãi suất sẽ hạ xuống nên xu hướng tiêu dùng sẽ phục hồi và tăng dần lên. Tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, được dự báo sẽ khởi sắc hơn, vì thế tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng tốt lên trong năm nay.
Tuy nhiên, TS Lê Quốc Phương, nguyên phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng cần nâng chất lượng hàng xuất khẩu bởi chúng ta xuất siêu lớn trong năm 2023 nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI xuất.
Cụ thể, khu vực FDI xuất siêu khoảng 48 tỉ USD, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 20 tỉ USD, như vậy xuất siêu năm 2023 chủ yếu do khu vực FDI xuất siêu quá lớn, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập siêu nhiều.
Các doanh nghiệp FDI đang chiếm 3/4 miếng bánh xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 1/4 thôi. Hơn nữa, chúng ta xuất siêu sang châu Âu, Mỹ nhưng lại nhập siêu lớn từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc – ông Phương nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, trong đó 85% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, máy tính… nhưng hầu hết là gia công.
Có thể thấy nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thì Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng chúng ta được hưởng lợi rất thấp.
Theo ông Phương, để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, trước hết phải nâng hàm lượng nội địa hàng xuất khẩu, muốn vậy phải chuyển từ nền sản xuất gia công, lắp ráp hiện nay sang nền sản xuất thiết kế, chế tạo.
Và để hiện thực hóa điều này thì nhân công phải có trình độ, tay nghề cao; nền sản xuất phải dựa trên nền tảng của chính mình chứ không dừng ở việc lắp ráp, ví dụ như chúng ta đang theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu