Kim Động (Hưng Yên): Thấy gì từ việc một doanh nghiệp “quen” trúng nhiều gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp?

(Xây dựng) – Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên thường xuyên trúng các gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự hiệu quả trong sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Kim Động (Hưng Yên): Thấy gì từ việc một doanh nghiệp “quen” trúng nhiều gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp?
Một dự án do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh làm nhà thầu thi công.

Cụ thể, Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) có địa chỉ tại thôn Phú Cường, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động (Hưng Yên) do ông Nguyễn Văn Thuyết là đại diện pháp luật. Công ty này đã tham gia 45 gói thầu đều trong vai trò nhà thầu độc lập, trong đó trúng 40 gói, trượt 0 gói, 5 chưa có kết quả. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 99,22%, tức là tiết kiệm cho ngân sách chỉ khoảng 0,78%. Riêng trong các năm: 2022, 2023, 2024, Công ty Hoàng Anh tham gia tới 33 gói thầu, trúng 28 gói, 5 gói chưa có kết quả.

Ngày 19/8/2024, ông Quách Đại Hưng, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cường, huyện Kim Động ký quyết định phê duyệt trúng thầu cho Công ty Hoàng Anh trúng Gói thầu số 1: Thi công xây dựng + lắp đặt thiết bị công trình thuộc dự án Xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động; giá dự toán 17.741.115.000 đồng; giá trúng thầu 17.706.862.000 đồng, thời gian thực hiện trong 300 ngày. Như vậy, gói thầu này chỉ tiết kiệm được cho ngân sách số tiền 34.253.000 đồng, tương đương khoảng 0,2%.

Đặc biệt, trong thời gian tham gia gói thầu trên, Công ty Hoàng Anh đã trúng nhiều gói thầu tại một số xã thuộc huyện Kim Động với thời gian trúng thầu sát nhau. Cụ thể: Ngày 1/8/2024, Công ty Hoàng Anh trúng Gói thầu số 1: Xây dựng phòng học bộ môn 3 tầng 9 phòng Trường THCS Đồng Thanh; giá gói thầu 9.918.967.000 đồng, giá trúng thầu 9.870.894.316 đồng. Với gói thầu này, ngân sách Nhà nước cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 0,5% kinh phí.

Như vậy, chỉ trong tháng 8/2024, Công ty Hoàng Anh liên tiếp trúng 2 gói thầu với tổng giá trúng thầu lên tới trên 30 tỷ đồng chưa kể 1 gói thầu chưa có kết quả.

Trước đó, ngày 26/1/2024, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch UBND xã Phạm Ngũ Lão ký quyết định phê duyệt trúng thầu cho Công ty Hoàng Anh trúng Gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trình trường Mầm non xã Phạm Ngũ Lão; giá gói thầu 36.389.030.000 đồng, giá trúng thầu 36.337.537.000 đồng, tiết kiệm cho ngân sách chỉ khoảng 51,5 triệu đồng, tương đương 0,1%. Cũng trong tháng 1/2024, Công ty Hoàng Anh trúng gói thầu Thi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Vũ Xá (đoạn từ giếng làng đến nhà ông Ánh) thôn Cộng Vũ do UBND xã Vũ Xá, huyện Kim Động làm chủ đầu tư. Gói thầu này có giá trúng 1.687.930.000 đồng, tiết kiệm hơn 3 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước.

Cách đó ít ngày, vào ngày 21/12/2023, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động ký quyết định trúng thầu cho Công ty Hoàng Anh trúng gói thầu: Xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động; giá gói thầu 12.810.450.000 đồng, giá trúng thầu 12.771.870.000 đồng, tiết kiệm 0,3% cho ngân sách Nhà nước.

Trung bình, tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu mà Công ty Hoàng Anh đã trúng thầu chỉ dao động từ 0,1% đến 0,5%, một mức tiết kiệm rất khiêm tốn cho ngân sách Nhà nước.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho biết: Tỷ lệ tiết kiệm thấp hiện nay cho thấy ngân sách Nhà nước không được sử dụng một cách hiệu quả. Điều này có thể tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, khi chỉ một số ít nhà thầu quen mặt có lợi thế lớn trong các gói thầu, hạn chế sự tham gia của các đơn vị khác. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường tính minh bạch và công khai trong quy trình đấu thầu, đảm bảo sự tham gia của nhiều nhà thầu để tạo ra cạnh tranh lành mạnh và tối ưu hóa chi tiêu ngân sách.

Theo vị chuyên gia này, để đảm bảo quá trình đấu thầu diễn ra hiệu quả, các bên liên quan cần tập trung vào nhiều yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu cần chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và chính xác, bảo đảm cung cấp đầy đủ các tài liệu và thông tin cần thiết. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện đấu thầu để đáp ứng toàn bộ yêu cầu. Việc xây dựng đề xuất kỹ thuật và tài chính phải được tính toán hợp lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Về phía chủ đầu tư, hồ sơ mời thầu cần được thiết lập một cách rõ ràng và đầy đủ, với các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật, tài chính và tiêu chí đánh giá. Bảo đảm quá trình đánh giá hồ sơ thầu được thực hiện công bằng, minh bạch, đúng thời hạn, và kịp thời giải quyết các khiếu nại từ phía nhà thầu. Công tác giám sát và kiểm tra hợp đồng cũng rất cần thiết để đảm bảo các điều khoản được thực hiện đúng như cam kết.

Cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành các quy định và chính sách liên quan đến đấu thầu, cung cấp các hướng dẫn cần thiết cho chủ đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác giám sát, đánh giá quá trình đấu thầu cần được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Cơ quan quản lý cũng cần tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các bên liên quan và chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm, khiếu nại, đảm bảo mọi vấn đề được giải quyết một cách công bằng và hợp lý. Các yếu tố này kết hợp lại tạo nên một hệ thống đấu thầu hiệu quả và minh bạch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích