Kiều bào thêm cơ hội sở hữu nhà, đất
Với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vừa được sửa đổi thống nhất, đồng bộ, người Việt ở nước ngoài (kể cả không còn quốc tịch) thêm cơ hội sở hữu nhà, sử dụng đất khi có những quyền này như công dân trong nước. Các quy định mới được ban hành sẽ thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối, đặc biệt giúp thị trường bất động sản có thêm nguồn trợ lực mới.
Khu căn hộ liền kề tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (quận Long Biên) đang thu hút sự quan tâm của kiều bào. Ảnh: Nguyễn Quang |
Nhiều vướng mắc được tháo gỡ
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, trước khi các nội dung sửa đổi của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua, kiều bào còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư vào thị trường bất động sản.
Điển hình là việc hạn chế quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và mua bán bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; vướng mắc về cấp sổ hồng cho người nước ngoài, bao gồm cả Việt kiều… “Trước đây, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quyền sử dụng đất. Khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai này, từ đó phát sinh không ít tranh chấp”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu.
Góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút kiều hối cho phát triển kinh tế, Điều 4 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về người sử dụng đất, được bổ sung nhóm người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam.
Điều 28 của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định, người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà. Điều 41 và Điều 46 trong luật này cũng quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường địa ốc.
Để đồng bộ, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước. Trong khi đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.
Thu hút nguồn kiều hối quan trọng
Thị trường nhà đất tại Việt Nam đang chứng kiến bước phát triển đáng chú ý với sự “mở cửa” rộng lớn cho kiều bào, nhờ vào những sửa đổi quan trọng trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Các thay đổi này không chỉ thể hiện sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta mà còn mang lại những lợi ích quan trọng, bảo đảm Việt kiều vẫn giữ quyền sử dụng đất và kinh doanh tại quê hương mình một cách linh hoạt, như người dân trong nước.
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Peter Hồng nêu, hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người mang quốc tịch nước ngoài có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Có khoảng 600.000 đến 700.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài). Trong số đó, rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên (chiếm 20%) và nhiều doanh nhân, trí thức muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh, gắn bó với quê hương. Do vậy, nhu cầu có nhà ở là rất lớn.
Thực tiễn gần 10 năm qua, với gần 5.000 giao dịch liên quan được thực hiện, Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cũng nhận định, nhu cầu mua nhà ở Việt Nam của người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng là rất cao. Đặc biệt, hiện nay nguồn cung nhà ở giá cao chiếm tỷ trọng lớn, nếu nới điều kiện cho phép người nước ngoài được sở hữu sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc này.
Theo một số chuyên gia bất động sản, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư từ kiều bào, việc mở rộng cửa sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho kiều bào cũng mang lại những cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Sự cạnh tranh sẽ được kích thích khi các doanh nghiệp cố gắng nâng cao chất lượng dự án và cung cấp những sản phẩm bất động sản đa dạng. Điều này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc phát triển các dự án đô thị hiện đại và tiện nghi.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ra một khía cạnh cần chú ý là khả năng lạm dụng và rủi ro tài chính. Việc mở cửa cho Việt kiều có thể tạo ra tình trạng đầu cơ và tăng nguy cơ lạm dụng thị trường bất động sản. Nếu không có cơ chế kiểm soát mạnh mẽ, có thể xuất hiện tình trạng giá đất và nhà tăng cao không theo tỷ lệ với giá trị thực của thị trường, ảnh hưởng đến khả năng mua sắm của người dân. Đồng thời, cần lưu ý việc gia tăng nhu cầu đầu cơ có thể tăng áp lực lên nguồn cung nhà ở và hạ tầng, tạo ra tình trạng chênh lệch và không đồng đều trong phát triển giữa các khu vực.
Nguồn: Báo xây dựng