Kiến trúc tâm linh trong phát triển du lịch tại Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn
Kiến trúc tâm linh trong phát triển du lịch tại Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn
Trong lịch sử kiến trúc thế giới, các công trình tôn giáo luôn dành được sự quan tâm hơn bất cứ loại công trình nào khác.
Đặt vấn đề
Người dân Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với các hoạt động tâm linh diễn ra hàng năm (thờ cúng, hành hương lễ phật…). Các lễ hội liên quan đến các hoạt động tâm linh đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhiều địa phương. Điển hình ở khu vực phía Bắc có lễ hội chùa Hương, hội Gióng (Hà Nội), hội đền Trần (Nam Định)… hay ở phía Nam có các lễ hội Miếu bà chúa xứ núi Sam (Châu Đốc), núi Bà Đen (Tây Ninh)…
Do đó, các công trình phục vụ cho nhu cầu này của người dân như nhà thờ, đền thờ, chùa chiền, miếu mạo…cũng xuất hiện nhiều và là một nhánh đặc thù của kiến trúc dân dụng.
Hội thảo của Viện Kiến trúc Quốc gia về “Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam”, đã đề cập nhiều vấn đề bất cập của các công trình dạng này như hình thức sao chép lẫn nhau và sao chép quá khứ, không chú trọng đến bản sắc văn hóa vùng miền, lạm dụng các vật liệu xây dựng và thiết bị hiện đại; các công trình mới xây sau này còn mang nặng tính phô trương, trình diễn… Một số nguyên nhân của các vấn đề trên cũng được nhận định: Chưa được quan tâm đúng mức của Nhà nước (thiếu phối hợp giữa quy hoạch và văn hóa, thiếu các quy định và hướng dẫn, kiểm soát chất lượng đối với thể loại công trình này). Thêm vào đó, nguyên nhân khác xuất phát từ việc đào tạo thiết kế chuyên về loại hình công trình này cũng chưa được chú trọng, các công trình thường mang nặng tính chủ quan của chủ đầu tư hay đơn vị chủ quản ở địa phương. (1)
Tuy vậy, bên cạnh những điều bất cập, vẫn có những điểm sáng trong việc quy hoạch bài bản và thiết kế kiến trúc các công trình tâm linh mới xây sau này tại nước ta như các địa điểm ở Ninh Bình (chùa Bái Đính), Tây Ninh (quần thể các công trình tâm linh trên núi Bà Đen), Lào Cai (cụm công trình tâm linh trên Đỉnh Fansipan)…Các công trình này tạo nhiều hoạt động văn hóa lành mạnh và góp phần đáng kể vào phát triển du lịch của địa phương. Bài viết này sẽ đi vào phân tích vài trường hợp điển hình của các công trình kiến trúc tâm linh được xây mới thời gian gần đây, qua đó cung cấp cho độc giả thêm góc nhìn từ lý luận đến thực tiễn đối với các công trình dạng này.
Góc nhìn từ lịch sử
Trong lịch sử kiến trúc thế giới, các công trình tôn giáo luôn dành được sự quan tâm hơn bất cứ loại công trình nào khác. Các thánh đường, nhà thờ hay công trình đền chùa…trong các cộng đồng văn hóa thường là các công trình trọng điểm, với hình thức có tính biểu cảm cao, mang giá trị lâu dài và có tầm ảnh hưởng lớn đến dân chúng.
Khi nhìn về các công trình kiến trúc tâm linh xuất hiện sớm nhất trong dân gian Việt Nam giai đoạn trước, có hai dạng công trình phổ biến là đình làng và các ngôi chùa. Dạng công trình đầu tiên, đình làng xuất hiện do tập quán sinh hoạt theo làng xã của người Việt xưa. Đình làng có vai trò quan trọng trong cộng đồng, ban đầu là nơi nghỉ chân của vua, sau biến thành nơi để thông báo các văn kiện của triều đình và phát triển thành trụ sở hành chính, trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng. Do đó, vị trí của ngôi đình trong cộng đồng thường gắn liền với khu sinh sống của người dân, ở trung tâm của ngôi làng, thuận tiện cho việc đi lại hoặc được đặt ở nơi quang đãng, rộng rãi có địa thế dựa núi sông. Trong quan niệm dân gian thì đình còn thể hiện vị thế của làng, đình càng to thì người dân nơi đó càng sung túc, giàu có.
Khi các tôn giáo du nhập vào nước ta, thì Phật giáo với các tư tưởng và triết lý gần gũi với nếp sinh hoạt của nền văn minh lúa nước đã được người dân hưởng ứng và phát triển mạnh mẽ, sớm hơn các tôn giáo khác (bắt nguồn từ thế kỷ thứ IV). Dạng công trình tâm linh phổ biến của Phật giáo là các ngôi chùa, được kiến tạo đẹp mắt, hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên và trở thành điểm tựa tinh thần cho bộ phận không nhỏ dân chúng. Xét trong các công trình di sản còn tồn tại ở Việt Nam, thì các ngôi chùa chiếm 36% trong tổng số di tích, con số này cũng nói lên sự phổ biến của Phật giáo tại nước ta. Cũng giống như đình làng, dân gian xưa còn có câu “đất vua, chùa làng” để nói lên sự gắn bó của các ngôi chùa đối với các làng xã truyền thống. Trong quan điểm của người Việt xưa, chùa thể hiện tâm thức của người dân, là nơi giúp con người hướng thiện và là chỗ gửi gắm niềm tin và ước vọng của họ. Do đó, các hoạt động hành hương, lễ chùa vào các dịp lễ Tết đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân nhiều nơi trên cả nước. Do tính phổ biến của tôn giáo này, nên bài viết sẽ nghiêng về phân tích ảnh hưởng của các công trình Phật giáo đến du lịch tại Việt Nam.
Một số quan điểm thiết kế công trình kiến trúc tâm linh hiện nay trên thế giới
Theo KTS Norman L. Koonce (Cựu Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc Mĩ) các công trình kiến trúc tâm linh từ xa xưa là nơi “làm rõ ranh giới giữa vật chất và tâm trí, thể xác và tinh thần”. Trong bối cảnh hiện nay, với sự biến đổi của xã hội hiện đại, khi thiết kế và xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh ngoài những lý do truyền thống, còn gắn với các hoạt động kinh tế và phát triển du lịch.
*Nhìn ra thế giới, xét trong phạm vi các công trình kiến trúc tâm linh mới xây sau này, có thể thấy các công trình này vẫn là động lực chính của hoạt động du lịch tôn giáo và chúng được thiết kế dựa trên các nguyên tắc phù hợp với xu hướng, nhu cầu của con người trong xã hội hiện đại. Ngày nay, các công trình kiến trúc tâm linh được thiết kế với quy hoạch bài bản, bản thân các công trình thể hiện nhiều phong cách sáng tạo, kết hợp thêm các yếu tố về nghệ thuật đương đại. Các công trình này ngoài chức năng tâm linh thuần túy, còn tương tác trên nhiều phương diện đối với xã hội. Từ những thay đổi này, các công trình này còn có trách nhiệm khơi gợi sự quan tâm và kêu gọi sự tham gia của công chúng, cuối cùng qua đó tạo ra thêm nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho địa phương mà chúng tồn tại. Đúc kết các nhận định sau khi tổng hợp nhiều nguồn khác nhau, người viết nhận thấy có các xu hướng thiết kế chính trong các công trình tâm linh mới xây sau này trên thế giới.
Sự kết hợp giữa tôn giáo và nghệ thuật đương đại
Kiến trúc tâm linh trong thời đại mới chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Không giống như thời kỳ Gothic hay Baroque, kiến trúc hiện đại không có bản sắc chủ đạo. Trên thực tế, nó là sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Hậu hiện đại, Chủ nghĩa Tương lai, Chủ nghĩa Tối giản và nhiều trào lưu khác. Các KTS đã tìm ra cách biến những nơi dành riêng cho tôn giáo này thành những cấu trúc tâm linh mang nhiều tính biểu hiện và chứa đầy sự mê hoặc. Xét các ví dụ điển hình, có thể nhìn trường hợp của Viện Nan Tien và Trung tâm Văn hóa của Woods Bagot (Wollongong, Australia) hay Nhà nguyện ruy băng(Hiroshima, Nhật Bản). Chúng ta có thể thấy là các công trình này không vay mượn hình thức từ quá khứ, mà chỉ dùng các ý niệm để chuyển đổi thành hình thức, qua đó làm cho các công trình tâm linh trở nên hợp thời đại và gần gũi hơn với dân chúng.
Ngoài thay đổi về hình thức biểu hiện, công trình kiến trúc tâm linh trong thời hiện đại còn có thể kết hợp với nhiều chức năng khác nhau như trung tâm hội nghị, đền thờ và triển lãm nghệ thuật…
Ví dụ ý tưởng thiết kế của đền Cung Vân (Đài Loan), cho thấy đây không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là một tổ hợp đa chức năng hiện đại.
Kế đến, công trình tâm linh ngày nay đã có sự kết hợp liên ngành hơn so với thời gian trước.
Ngày nay, ngoài hoạt động tâm linh, các công trình kiến trúc dạng này còn được quảng bá như một phần của các hoạt động văn hóa địa phương, nhằm thu hút du khách. Các sự kiện văn hóa liên ngành khác sẽ được kết hợp vào như trường hợp của Chùa Yuan-Dao Guanyn (Đài Loan). Ngoài hoạt động tâm linh, công trình còn là nơi triển lãm tranh, điêu khắc, nơi giảng dạy của các nghệ sĩ trẻ đương đại, nơi diễn ra các cuộc thi về nhiếp ảnh hay vẽ tranh của cộng đồng…(2)
Một số công trình kiến trúc tâm linh xây mới hiện nay ở Việt Nam
Từ sau năm 2008 đến nay, thế giới đánh dấu bước chuyển khi hơn 50% người dân sống ở các đô thị, và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. (3). Trong bối cảnh mới, nhu cầu tâm linh của con người cũng biến đổi theo. Ngày xưa, khi làm việc theo thời vụ trong xã hội nông nghiệp truyền thống, người dân có nhiều thời gian nhàn rỗi, họ thường tổ chức các hội hè đình đám, các trò vui dân gian và đi lễ chùa. Trong thời hiện đại, nhịp sống trở nên gấp gáp hơn và thời gian dành cho các hoạt động tâm linh sẽ bị thu ngắn lại. Khi nhu cầu của con người biến đổi thì sẽ có các sản phẩm mới xuất hiện để phù hợp với hoàn cảnh, kể cả tôn giáo và các công trình tâm linh (đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới sự xuất hiện đạo Tin Lành vào thế kỷ 16, khi có một tầng lớp tư sản và thị dân vừa muốn thể hiện niềm tin vào Chúa và vừa muốn có nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư vào phát triển kinh tế).
Trước sự biến đổi trên, những công trình tâm linh xây mới sau này ở nước ta chịu ảnh hưởng của bối cảnh thị trường và sự chuyển đổi không gian đô thị. Có thể nhận thấy là các công trình kiến trúc này cần đáp ứng với nhu cầu đa dạng của cuộc sống hiện đại, đó là phải gắn liền với đô thị, chịu sự chi phối của quy hoạch chung. (4)
Hiện nay, du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương ở nước ta nên rất được chú trọng phát triển. Du lịch tâm linh ở Việt Nam được chia thành hai xu hướng chính: Xu hướng đầu tiên là du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và tín ngưỡng (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài…); Xu hướng thứ hai là du lịch gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân các vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Điểm qua các công trình tâm linh có quy mô lớn được xây dựng gần đây, người viết nhận ra có các đặc điểm chính sau.
Các công trình tâm linh Phật giáo chiếm đa số trong các công trình tôn giáo xây mới.
Có thể dễ dàng nhận ra các cụm công trình như chùa Bái Đính, cụm công trình chùa trên núi Bà Đen (Tây Ninh), các công trình trên Đỉnh Fansipan (Lào Cai), chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Đà Nẵng), thiền viện Trúc Lâm (Lâm Đồng), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… luôn nằm trong những điểm đến hấp dẫn nhất về du lịch tâm linh ở Việt Nam giai đoạn gần đây. Thử lý giải về việc này, nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ yếu tố lịch sử, sự gắn bó thân thuộc của các ngôi chùa và các hoạt động dâng hương, lễ Phật đã diễn ra từ nhiều đời trong đời sống người dân nước ta.
Nguyên nhân thứ hai đến từ số lượng Phật tử đông đảo trong cả nước (Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất trong các tôn giáo với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự vào năm 2021). (5).
Nguyên nhân thứ ba do trong mô hình kết hợp với du lịch, thì các công trình Phật giáo dễ gắn liền với quang cảnh địa phương và dễ khai thác du lịch hơn, nên khi đặt cùng các mục tiêu phát triển kinh tế chúng sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn các loại hình công trình tâm linh khác.
Các công trình tâm linh xây mới ở Việt Nam giai đoạn sau có xu hướng phát triển theo hướng tích hợp nhiều chức năng, tương tự với xu hướng trên thế giới đã nói ở phần trước.
Nhiều công trình tâm linh xây mới được quy hoạch bài bản, có hệ thống cơ sở vật chất và giao thông tiếp cận hiện đại, được tích hợp nhiều công trình với chức năng khác nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Có thể kể đến trường hợp điển hình như khu du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình), các cụm công trình của tập đoàn Sun Group xây dựng ở Lào Cai (quần thể tâm linh tại Sun World Fansipan Legend) hay ở Tây Ninh (quần thể tâm linh tại Sun World Ba Den Mountain).
Người viết xin được phân tích kỹ hơn về quần thể tâm linh trên núi Bà Đen bởi đây là quần thể được đầu tư bài bản, quy mô đồ sộ và có sự nghiên cứu sâu về Phật giáo.
Hệ thống các công trình tâm linh thuộc công viên chuyên đề và các công trình văn hóa trên đỉnh Núi Bà Đen, Tây Ninh, được được xây ở độ cao 986m, như một hành trình kết nối và thức tỉnh “tứ vô lượng tâm” trong mỗi người theo quan niệm của Phật giáo. “Tứ vô lượng tâm” là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”- bốn đức tính tiềm tàng bên trong mỗi con người. Hành trình đó được bắt đầu từ Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất Châu Á nằm trên đỉnh núi, tượng trưng cho Từ, Bi, thoải dần xuống là 5 đĩa nước khổng lồ trong hình ảnh cách điệu của 5 cánh hoa sen, qua quảng trường rộng lớn và kết thúc tại công trình Tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới- vị Phật tượng trưng cho Hỉ, Xả. Toàn bộ trục tâm linh này đều hướng về phía Đông – hướng mặt trời mọc, tượng trưng cho việc con người hướng tâm, thân, trí về Chân – Thiện – Mỹ và hướng về tương lai.
Các công trình vừa tạo nên một diện mạo đương đại tựa một khối tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo, song cũng mang đậm tinh thần văn hóa Phật giáo truyền thống, ở các đỉnh núi thiêng của Việt Nam.
Dưới chân Tượng Phật Bà là khối đế cao 4 tầng với lối kiến trúc đồng tâm. Nhìn từ trên xuống, Tượng Phật Bà tựa như đang ngự tọa trên một đài tháp được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ. Từ những đĩa tròn này, những thác nước đổ xuống, chảy tràn về 5 đĩa nước lớn được sắp đặt thấp dần về phía Đông. 5 đĩa nước cũng tượng trưng cho Ngũ hành tương sinh.
Trên 4 đĩa nước là 4 pho tượng Quan Âm (theo thứ tự từ dưới lên): Lưu ly Quan Âm (tay cầm viên ngọc); Trì Liên Quan Âm (tay cầm hoa sen); Sái Thuỷ Quan Âm (tay cầm bát ngọc); Phổ Bi Quan Âm (tay cầm áp pháp). Đĩa nước cuối cùng nằm giữa quảng trường rộng lớn là nơi trụ kinh Bát Nhã bằng đá kim sa đen khắc chữ vàng vươn lên trời cao.
Tổng diện tích lên tới 4,410m2, bên trong khối đế chân Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, một triển lãm nghệ thuật Phật giáo đã được kiến tạo, đưa du khách khám phá thế giới của đạo Phật từ bi, theo dấu chân đức Phật đến những miền khám phá bản ngã của chính mình.
Đến với Trung tâm triển lãm Phật giáo, Phật tử và du khách sẽ được ghé thăm trung tâm triển lãm trưng bày 163 tượng và hệ thống chiếu phim 3D mapping tại tầng 1; không gian trưng bày nghệ thuật Phật Giáo công nghệ hình ảnh 3 chiều (Hologram) tại tầng 2; và không gian trưng bày 38 phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật cực kỳ nổi tiếng của Việt Nam và Thế giới tại tầng 3. Càng lên cao, Phật tử và du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình hiếm có. Trong không gian tầng 4 chính là nơi lưu giữ và trưng bày Phật bảo Xá lợi Phật. Tại núi Bà Đen hiện nay có lưu giữ hai xá lợi Phật, gồm Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và xá lợi cao tăng Myanmar trao tặng.
Xét trên bình diện tổng quát, đặc điểm thứ ba của các công trình tâm linh xây mới ở Việt Nam gần đây là xét trên hình thức biểu hiện của các công trình này.
Hiện nay, có thể thấy bên cạnh các công trình vẫn đang chú trọng vào tính an toàn, khai thác các hình tượng truyền thống vốn quen thuộc với người dân, đã có những công trình quy mô, có chiều sâu nghiên cứu về Phật giáo và các thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Đây là sự tiếp nối truyền thống, kết hợp với tư tưởng tiếp cận với nghệ thuật đương đại như trên thế giới mà bài viết đã đề cập.
Thay lời kết
Qua các góc nhìn về hoạt động xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh ở nước ta hiện nay, tuy vẫn còn nhiều bất cập, nhưng có thể nhận thấy các tín hiệu tích cực đến từ sự đầu tư nghiêm túc và bài bản đối với thể loại công trình này. Cùng với sự phát triển của đất nước, các công trình kiến trúc tâm linh luôn là một nhánh quan trọng hòa quyện trong dòng chảy văn hóa Việt.
ThS.KTS Nguyễn Vương Hồng
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Kiến trúc Quốc gia, (2015), Hội thảo Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam;
2. Hui-Li Lin, Fang-Suey Lin, Shih-Wei Liu, Yen-Cheng Liu;(2022), How Religious Destinations Innovate Tourism Models in Religious Personalization: An Evidence from Contemporary Art-Temple Collaboration;
3. Tạp chí Kiến trúc, (2016) “Công trình tôn giáo tín ngưỡng xây mới – những vấn đề bàn luận”;
4. Mai Thị Hạnh, (2014) – “Chùa online và vấn đề hiện đại hóa phật giáo trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại”;
5. Duy Linh, (2022) – “Công bố Sách trắng về các tôn giáo ở Việt Nam”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị