Kiến trúc nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay

Kiến trúc nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay

MTĐT –  Thứ hai, 26/12/2022 12:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với những thành quả đạt được, thực tế xây dựng “nông thôn mới” ở nước ta cũng đang xuất hiện một số vấn đề bất cập liên quan trực tiếp đến những biến đổi và hướng phát triển kiến trúc.

Nông thôn Việt Nam nói chung và kiến trúc nông thôn nói riêng đã có những thay đổi lớn sau 30 năm xây dựng và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Sự thay đổi về phương thức sản xuất đã tác động đến nhiều mặt của đời sống nông thôn, theo đó là những thay đổi nhanh chóng diện mạo kiến trúc làng – xã ở khắp vùng miền quê. Đặc biệt, cả nước tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự là một cơ hội lớn cho nông thôn “thay da, đổi thịt”.

Nông thôn nay đã khác xưa, khi phương thức sản xuất chuyển từ mô hình hợp tác xã sản xuất tập thể sang hợp tác xã dịch vụ và sản xuất khoán hộ gia đình đã làm thay đổi bản chất của mối quan hệ sản xuất và kích thích sự phát triển kinh tế. Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời hội nhập.

Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần ở nhiều vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập không chỉ từ trồng trọt, chăn nuôi… Kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu về xây dựng cơ sở vật chất, công trình phúc lợi công cộng và đặc biệt là nhu cầu xây dựng nhà ở theo đó đã tăng lên rất nhanh. Giờ đây, các xã nông thôn đang được đánh giá theo “Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới” do Chính phủ ban hành vào năm 2009 và theo thống kê đến tháng 12/2014 và 674 xã trên tổng số 9.071 xã trong toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy về chất lượng còn phải xem xét cụ thể để thống nhất đánh giá… nhưng nhìn chung là nông thôn đang thay đổi nhanh cùng với hạ tầng cơ sở ở nhiều địa phương đã khang trang lên và kiến trúc thì ngày xưa rất nhiều.

Cùng với những thành quả đạt được, thực tế xây dựng “nông thôn mới” ở nước ta cũng đang xuất hiện một số vấn đề bất cập liên quan trực tiếp đến những biến đổi và hướng phát triển kiến trúc.

Kiến trúc nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay
Đã hình thành nên những điểm dân cư chia lô bám đường, xuất hiện các “phố trong làng”.

Quy hoạch không gian làng – xã

Quy hoạch nông thôn thực hiện trên địa bàn xã theo các tiêu chí mới đã tác động đến hầu hết cấu trúc không gian các làng truyền thống. Một xã có thể do một hoặc nhiều làng trước đây hợp thành và trung tâm làng xưa chưa hẳn đã là trung tâm của xã nay. Nông thôn diễn ra những thay đổi chủ yếu ở hai trạng thái là làng “được” đô thị hóa và làng “bị” đô thị hóa.

Khi thành phố mở rộng thì các làng xã ven đô thuộc diện (được) đô thị hóa theo quy hoạch, sự chuyển dịch mạnh mẽ đất nông nghiệp sang đất đô thị để thực hiện các dự án đầu tư khu ở, khu công nghiệp… và sự chuyển hóa từ làng – xã sang phố – phường trong bối cảnh xây cất bùng phát đã phá vỡ gần như toàn bộ cấu trúc làng truyền thống. Một số ít làng cổ, làng nghề nhờ hưởng chính sách bảo tồn nên còn tồn tại coi như là một cơ may nhưng bị bao vây, dồn nén do mật độ xây dựng cao…

Quy hoạch mở rộng Hà Nội đến năm 2030 ôm trọn tỉnh Hà Tây và đưa tỷ lệ đô thị hóa đến 60% đã khiến nhiều làng truyền thống, làng nghề bị phá vỡ nhanh chóng như làng Mộ Lao, Vạn Phúc, Cự Đà… là một thực tế bất cập. Mặt trái của quá trình đô thị hóa các làng – xã ven các đô thị trong thời gian qua đều trong tình trạng làm mất đi nhanh và nhiều giá trị kiến trúc truyền thống do thiếu quy hoạch, hướng dẫn và buông lỏng quản lý xây dựng.

Đối với các làng xã ở nơi xa thành phố nơi ít, nơi nhiều đều bị đô thị hóa, nhiều nơi hô hào “đô thị hóa” nông thôn là vấn đề phải xem xét ở tầm vĩ mô. Chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” mà cụ thể là bán đấu giá đất nông nghiệp để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi xã hội và xây dựng hệ thống “Đường – Trường – Trạm”, đã hình thành nên những điểm dân cư chia lô bám đường, xuất hiện các “phố trong làng”.

Công tác quy hoạch trung tâm xã còn nhiều bất cập, chưa chú ý đến việc kết hợp phát huy những giá trị cũ, gây lãng phí tiền của và đất đai. Tình hình xây dựng không phép tắc ở nhiều mảng nhà dân trong hầu hết các vùng nông thôn nước ta đã gây ra những phức tạp và lộn xộn…, ít coi trọng việc bảo tồn, kế thừa trong quy hoạch phát triển. Không gian làng truyền thống êm đềm đã trở nên lủng củng bởi nhiều kiểu nhà to nhỏ, cao thấp mọc lên do dân tự xây theo khả năng kinh tế của mỗi người.

Kiến trúc nhà ở

Nhà ở nông thôn truyền thống luôn gắn với một khuôn viên đất có vườn rau, ao cá… Do dân số phát triển, tình hình đất đai ngày càng khan hiếm nên một phần lớn người dân đã tự chia phần đất trong khuôn viên của gia đình cho các con cháu làm nhà ở nên diện tích đất bình quân ngày càng bị thu hẹp lại, từ đó bố cục không gian và kiến trúc ngôi nhà đã biến đổi. Biến đổi có chiều hướng tích cực là những hộ dân nông nghiệp vẫn giữ khuôn viên nhà ở từ 1 – 2 sào đất Bắc Bộ.

Ngôi nhà có cổng, sân và ao vườn xung quanh để chăn nuôi trồng trọt… là điều kiện lý tưởng để tổ chức mô hình nhà ở nông thôn hiện đại – truyền thống, có cơ hội phản ánh được tinh thần kiến trúc nhà ở nông thôn mới. Một số ít nơi đã phát huy và thể hiện tốt điểm này.

Tuy nhiên, làm biến đổi không gian nông thôn và biểu hiện kiến trúc theo chiều hướng khác thường chính là loại nhà chia lô, bám đường đã xuất hiện trong nhiều năm qua. Tình trạng dọc theo các trục đường làng, đường liên thôn, liên xã, đất đai được chia thành các lô với chiều rộng mặt đường khoảng 5 m, chiều sâu khoảng 20 m, diện tích bình quân khoảng 100 m2 để bán đấu giá hoặc chia cho các hộ gia đình theo chính sách giãn dân đang ngày một phổ biến ở nhiều địa phương.

Thực tế cho thấy một lô đất với diện tích khoảng 100 m2 thường không đáp ứng được điều kiện sinh hoạt và sản xuất của một hộ gia đình làm kinh tế nông nghiệp hoặc làm nghề nhưng đang trở thành đối tượng chính trong các điểm dân cư mới. Loại nhà này đang thể hiện nhu cầu tự phát tạm thời hay là phản ánh xu thế tất yếu trong tương lai, đó là câu hỏi lớn trong định hướng phát triển kiến trúc nông thôn nước ta.

Hiện thời, nhà ở nông thôn có 3 loại, loại nhà độc lập trong khuôn viên riêng, loại nhà liền kề trên đất chia lô, bám đường và loại nhà khác trên đất tận dụng, xen kẽ. Nhà chia lô ảnh hưởng từ nhà phố đô thị có không gian được bố trí theo chiều sâu của khu đất và cao từ 2 đến 3 – 4 tầng, mật độ xây dựng chiếm tới 90 – 100%.

Nếu là nhà để ở thuần tuý thì tầng 1 phía tiếp giáp với đường làng thường là phòng tiếp khách phía trong là bếp, nếu nhà kết hợp ở với sản xuất thủ công, buôn bán, thì tầng 1 thường là không gian bán hàng hoặc làm xưởng sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phía trong là kho; tầng 2 mới là các phòng tiếp khách, phòng ngủ, bếp… cơ cấu giống nhà thành phố. Nhìn chung, loại nhà này là điển hình của sự biến đổi từ không gian nhà ở truyền thống, bố trí theo phương ngang chuyển thành nhà liền kề, bố trí theo phương dọc và chiều cao.

Nhà ở nông thôn nói chung được xây dựng khanh trang, bền vững lên nhiều, hình thức các loại rất phong phú nhưng ít kiểu đẹp, kiến trúc có nhiều biểu hiện kém đi. Do không có điểm nào cụ thể về kiến trúc trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên rất cần có sự bổ sung kịp thời, cần chế tài của Nhà nước và quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt là đối với chính quyền cơ sở địa phương để hướng dẫn và thực hiện cụ thể hơn.

Cùng tình trạng như ở nông thôn các vùng miền khác, nhà ở các dân tộc khu vực Miền núi và Tây nguyên cũng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông, lâm nghiệp, ảnh hưởng mạnh bởi nhu cầu phát triển, ảnh hưởng của văn hóa kiến trúc ngoại lai mà biểu hiện nhiều nhất là theo kiến trúc của người Kinh. Một số nhà sàn và nhà dài truyền thống điển hình được bảo tồn và phát huy giá trị ở các làng phục vụ du lịch, làng văn hóa hoặc số ít tồn tại trong các làng ẩm thực dân gian, nhà hàng dân tộc.

Hình thức kiến trúc nhà ở của nhiều dân tộc anh em cũng thay đổi nhiều, phần lớn đã có chuyển hóa sang nhà nửa sàn nửa trệt hoặc nhà trệt giống nhà ở người Kinh, nhà chính vuông góc với nhà phụ, phía trước có sân, tường xây gạch hoặc kết cấu bê tông cốt thép, mái đổ bê tông hoặc lợp ngói, lợp fibro ximăng…

Một số địa phương có sự hỗ trợ và hướng dẫn của Nhà nước vẫn duy trì được hình thức kiến trúc theo xu hướng truyền thống và không gian tổ chức kiểu nhà sàn, có biến đổi nhất định về không gian và hình thức để phù hợp với điều kiện và nhu cầu sử dụng mới.

Kết cấu bê tông cốt thép thay cho kết cấu gỗ, không gian phần gầm sàn đã được tận dụng sử dụng và ngăn phòng, cầu thang không nhất thiết phải ở đầu hồi nhà như truyền thống trước đây… Hướng thực hiện này tuy còn ít nhưng là hướng tích cực cần đầu tư nghiên cứu hoàn thiện hơn để duy trì và phát triển trong tương lai.

Kiến trúc nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay

Kiến trúc công cộng

Từ thực tế xây dựng trong những năm qua về kiến trúc của những công trình công cộng ở nông thôn cũng là vấn đề không nhỏ. Đó là những công trình trụ sở, trường học, nhà văn hóa và chợ dân sinh… được triển khai xây dựng theo mẫu mã khá nhiều và rải đều thôn xã nhưng còn mang tính phong trào “làng văn hóa”, xây đại trà để sử dụng thuần tuý và ít thấy công trình kiến trúc tiêu biểu.

Đặc biệt trong quy hoạch trung tâm xã, nhiều nơi rất thuận lợi nhưng không gắn kết được sử dụng nhà văn hóa, hội trường với ngôi đình làng có sẵn, làm tốn đất tốn tiền cho việc xây mới, phản ánh sự phát triển không tiếp thu được giá trị cũ, không tiếp nối được truyền thống.

Khảo sát thực tế quá trình xây dựng nông thôn tại một số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cho thấy một số vấn đề sau:

– Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới về bảo tồn và phát triển kiến trúc chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương. Trong 19 tiêu chí phát triển nông thôn mới, có một số tiêu chí không phù hợp hoặc khó thực hiện do không sát với tình hình thực tiễn ở mỗi xã, mỗi vùng miền có đặc điểm và điều kiện hạ tầng xã hội khác nhau.

Ví dụ Tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư theo quy định thì chỉ phù hợp với nhà ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà không phù hợp với nhà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không phù hợp với nhà ở vùng miền núi phía Bắc. Tiêu chí số 7 về chợ nông thôn nếu mỗi xã cần phải đầu tư xây dựng một chợ mới thì rất lãng phí mà không thực tế, có thể nâng cấp chợ cũ hoặc mở rộng là đủ.

– Những kết quả thu được tại các xã thí điểm còn thấp so với kinh phí đầu tư của Nhà nước.

– Cách đánh giá kết quả về hoạt động xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm còn chưa khách quan, các số liệu chưa có độ tin cậy, sự kết hợp để đánh giá giữa các cấp chính quyền còn chưa đồng bộ, chặt chẽ.

– Đề án xây dựng nông thôn mới còn nặng về phát triển hạ tầng và phát triển trung tâm hành chính cấp xã, chưa chú trọng đến phát triển quy hoạch có tầm nhìn xa, chưa quan tâm đến kiến trúc nhà ở.

– Vấn đề vốn kinh phí đầu tư còn nhiều bất cập.

– Nhận thức và vai trò cộng đồng tham gia trong quá trình xây dựng nông thôn mới của người dân còn hạn chế, có nơi bị áp đặt nên gây vướng mắc khi triển khai. Những xã đạt chuẩn Nông thôn mới nhưng chất lượng về quy hoạch xây dựng và kiến trúc chưa có tổng kết đánh giá cụ thể để rút kinh nghiệm.

Kết luận

Bối cảnh: Số dân nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chiếm khoảng 67% dân số cả nước. Dân số có làng xã tăng lên nhưng nhiều nơi lại có xu hướng giảm đi do dịch chuyển lao động. Khu vực nông thôn rộng lớn đã thay đổi về phương thức sản xuất, sự phát triển diễn ra nhanh làm phá vỡ nhiều làng truyền thống, kiến trúc lai tạp xuất hiện.

Nhìn chung, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí, kiến trúc nông thôn đã có nhiều thay đổi. Hàng loạt các công trình công cộng, dịch vụ thương mại được đầu tư xây dựng. Một khối lượng lớn nhà ở do dân tự xây dựng cao 3 – 4 tầng xuất hiện rất nhiều ở những làng đất chật người đông cùng nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng lên ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng công cuộc xây dựng nông thôn mới vẫn còn những bất cập trong công tác quy hoạch làng xã, kiến trúc nhà ở, nhà công cộng, công tác bảo tồn phát huy di sản kiến trúc cũng như việc quản lý công tác xây dựng… Điều này đòi hỏi các cấp ngành trung ương, địa phương, các nhà quản lý, kiến trúc sư đặc biệt quan trọng là cộng đồng cư dân nông thôn khắc phục tồn tại góp sức chung tay xây dựng nông thôn Việt Nam ngày một khang trang, kiến trúc đẹp lên trong sự phát triển bền vững.

ThS.KTS Bùi Văn Phương 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích