Kiến trúc nhà cao tầng trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

(Xây dựng) – Trong các đô thị hiện đại không thể thiếu hình ảnh của các tòa nhà cao tầng. Có thể nói các tòa nhà cao tầng và đô thị có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhiều người cho rằng nhà cao tầng có tác động tích cực về môi trường đô thị như là tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm lưu lượng giao thông và lượng khí thải carbon dioxide… Các chuyên gia nhận định, nhà cao tầng có mối liên hệ tương hỗ và đóng góp mật thiết cho việc phát triển các đô thị bền vững. Mô hình đô thị tập trung cùng với những giải pháp quy hoạch và phương thức quản lý phù hợp sẽ là cơ sở cho cho nhà cao tầng đóng góp cho việc phát triển bền vững.

Kiến trúc nhà cao tầng trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Các công trình cao tầng phát triển nhanh, mạnh ở các đô thị lớn. (Ảnh: Tiến Hào)

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các đô thị có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, khu vực trung tâm nội đô (các tên gọi khác như: Khu vực nội đô lịch sử, khu vực trung tâm đô thị hiện hữu, khu lõi đô thị…) được xem là khu vực cũ có mật độ dân cư đông đúc, có các cộng đồng dân cư hình thành và phát triển lâu dài gắn với lịch sử phát triển của đô thị, là nơi ẩn chứa nhiều các giá trị đặc trưng về văn hóa xã hội, lịch sử, bản sắc kiến trúc cảnh quan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây xuất hiện sự bùng nổ việc cải tạo, xây mới các công trình cao tầng khu vực này làm phá vỡ bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị, gây nên tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị như nạn kẹt xe, thiếu điện và nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường sống, cũng như khó khăn cho việc nâng cấp các hạ tầng dịch vụ thiết yếu khác.

Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là khá nhanh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về dân số là sự bứt tốc mạnh mẽ của các đô thị đã hình thành và phát triển trong lịch sử, cùng với sự xuất hiện của những đô thị mới với sự xuất hiện của kiến trúc nhà cao tầng đáp ứng nhiều các chức năng khác nhau. Các chuyên gia cũng cho rằng, kiến trúc nhà cao tầng đã làm thay đổi hình ảnh đô thị và tạo ra những đặc điểm nhận diện mới cho đô thị Việt Nam.

Nhà cao tầng với rất nhiều ưu thế trong sử dụng như tiết kiệm đất đai xây dựng, giao thông bên trong công trình ngắn gọn, kết nối các chức năng sử dụng trong tòa nhà nhanh chóng, hiệu quả, tăng cường hiệu quả tối đa về tầm nhìn cho công trình, dễ tạo được nhận diện và điểm nhấn về kiến trúc – quy hoạch, hiệu quả kinh tế đầu tư cao… đã tạo ra làn sóng xây dựng tại các đô thị Việt Nam trong những năm gần đây. Các công trình kiến trúc cao tầng xuất hiện khắp các đô thị và trở thành hình ảnh đặc trưng cho quá trình phát triển đô thị ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là điều cần được đảm bảo và triển khai đồng bộ trong quá trình quản lý phát triển đô thị Việt Nam. Bài tham luận hội thảo khoa học lần này sẽ tập trung làm rõ một số nội dung về kiểm soát phát triển xây dựng công trình cao tầng chức năng hỗn hợp cải tạo và xây mới trong các khu vực trung tâm nội đô đô thị tại Việt Nam nhằm mang lại các ưu thế và lợi thế mới, đóng góp tích cực cho việc phát triển bền vững các đô thị, nâng cao chất lượng cuộc số của người dân cũng như hạn chế tối đa các tác động và hệ lụy tiêu cực trong quá trình đổi mới và phát triển đô thị Việt Nam.

Kiến trúc nhà cao tầng trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Phát triển công trình cao tầng đảm bảo bền vững cho đô thị, nhất là khu vực nội đô. (Ảnh: Tiến Hào)

Bởi lý do sức hút về vị trí “đất vàng” trong đô thị, cũng như nhu cầu khai thác triệt để các ưu thế về vị trí vàng phục vụ kinh doanh – sử dụng nhằm gia tăng lợi nhuận cho các chủ đầu tưu, thực tế cũng cho thấy xu thế phát triển các công trình cao tầng bao gồm cả công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp tại các khu vực trung tâm nội đô các đô thị Việt Nam đang có chiều hướng ngày càng gia tăng phát triển về số lượng dự án, về quy mô diện tích/ khối tích, và đặc biệt là các chức năng sử dụng vô cùng đa dạng. Tại một số các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã xuất hiện tình trạng các công trình cao tầng xây chen thiếu quản lý phát triển đồng bộ và bền vững làm phá vỡ tổng thể kiến trúc cảnh quan đô thị, ảnh hưởng lớn đến bản sắc đô thị và sự phát triển đô thị với các biểu hiện rõ nét nhất chính là sự quá tải về hạ tầng đô thị (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội). Cụ thể như tình trạng kẹt xe xảy ra ngày càng phổ biến không chỉ vào các giờ cao điểm mà còn vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Thống kê cho thấy các điểm đen về tắc nghẽn giao thông trong trung tâm nội đô các đô thị diễn ra tại hầu hết các vị trí xung quanh các dự án cao tầng hỗn hợp mới được xây dựng. Cùng với đó, do việc gia tăng nhanh chóng dân số mới đến tại các khu vực quận trung tâm nội đô – là nơi có hệ thống hạ tầng đã ổn định lâu dài, diện tích đất đô thị dành cho phát triển mới hạ tầng vô cùng hạn chế đã dẫn đến tình trạng thiếu các hạ tầng dịch vụ thiết yếu cho người dân như thiếu trường học các cấp cho trẻ em, hệ thống cũng cấp nước sạch và điện cũng bị quá tải. Đặc biệt là hiện trạng dồn ứ về rác thải sinh hoạt và ô nhiễm môi trường sống đã quá tải.

Việc phát triển công trình cao tầng nội đô chức năng hỗn hợp tại khu vực trung tâm nội đô là xu thế tất yếu trên toàn cầu, trong đó các đô thị Việt Nam không phải là một loại trừ. Kinh nghiệm về quản lý công trình cao tầng chức năng hỗn hợp tại một số các quốc gia đang phát triển như: Hoa Kỳ, CHLB Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… cho thấy chỉ có thể thông qua các tiêu chí và chỉ tiêu trực tiếp cơ bản như tổng diện tính sàn, chiều cao công trình, cùng các tiêu chí giám tiếp khác như diện tích bãi đỗ xe, khoảng lùi, vị trí xây dựng… các cơ quan quản lý đã có thể cơ bản việc phát triển bền vững công trình cao tầng hỗn hợp trong khu vực nội đô, góp phần tạo dựng sự đồng bộ và hợp lý trong phát triển đô thị. Việc sớm thiết lập và cập nhật hoàn thiện hệ thống các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trong đó tính toán rõ các tầm nhìn phát triển và các chỉ tiêu – tiêu chí cho phát triển nhà cao tầng nói riêng và công trình cao tầng hỗn hợp nói riêng có tính toán đến các hệ số dung nạp về giao thông, sử dụng đất, cân bằng với nhu cầu thương mại toàn khu là rất cần thiết.

Nhà cao tầng là một cỗ máy khổng lồ nơi con người cư trú làm việc, do đó nó cũng tiêu tốn năng lượng khủng khiếp bởi những hệ thống kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho nó và con người sống trong nó. Chính vì vậy bản thân những tòa nhà cao tầng phải là những công trình bền vững, đóng góp cho môi trường sống tốt trong và ngoài nhà, giảm thiểu vật liệu, năng lượng và giá thành của đô thị hiện đại.

Xu hướng bền vững là tất yếu trong phát triển bất động sản đô thị – hạ tầng xanh và công trình xanh cho các dự án mới hình thành chính là điểm bắt đầu. Từ đó, nhà quản lý chuyên ngành, chính quyền các thành phố có thể có các chiến lược phù hợp với các đô thị và nhà ở, nhất là công trình cao tầng hiện hữu.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích