Kiến trúc “ngoại nhập” và vấn đề hiện đại hóa kiến trúc bản địa ở Việt Nam
Kiến trúc “ngoại nhập” và vấn đề hiện đại hóa kiến trúc bản địa ở Việt Nam
Kiến trúc “ngoại nhập” là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên lại khá chung chung và còn nhiều vấn đề bàn luận.
Sơ lược quá trình du nhập các ngôn ngữ kiến trúc vào Việt Nam
Kiến trúc “ngoại nhập” là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên lại khá chung chung và còn nhiều vấn đề bàn luận. Chính vì vậy, đề tài này luôn là chủ đề được giới chuyên môn, các hội nghề nghiệp, các nhà lý luận – phê bình kiến trúc quan tâm nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ hơn những quan niệm của xã hội về xu hướng quá trình hội nhập, cũng như các đóng góp định hướng quản lý phát triển kiến trúc tại Việt Nam.
Nhìn lại quá trình du nhập kiến trúc “ngoại” vào Việt Nam ta thấy. Ngay từ đầu thế kỷ 19, kiến trúc châu Âu mà nổi bật là các dòng kiến trúc Hy Lạp, La Mã, Pháp, Ý đã xuất hiện, được xây dựng và được người dân các TP lớn của Việt Nam yêu thích bởi tính thẩm mỹ cao, sang trọng và đáp ứng nhu cầu công năng.
Trong quá trình thuộc địa tại Việt Nam, người Pháp đã mang nền kiến trúc của họ vào theo. Các công trình kiến trúc chủ đạo được xây dựng ở Hà Nội, Hải Phòng hay TP.HCM đều mang tinh thần của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ 19. Không khó để nhận ra, kiến trúc Pháp cổ được thừa hưởng những giá trị tinh hoa nhất của kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã với vẻ đẹp lộng lẫy, hoành tráng, thể hiện được giá trị, đẳng cấp bậc nhất của chủ nhân.
Ban đầu, người Pháp gần như đã sử dụng nguyên mẫu kiến trúc của họ khi xây dựng các công trình đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những nghiên cứu do có sự khác biệt về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa nên các công trình kiến trúc được xây dựng ngay sau đó đã có sự biến đổi để phù hợp với các yếu tố bản địa. Chính vì thế ngôn ngữ kiến trúc Đông Dương “indochine style” ra đời – Các công trình vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay có thể kể đến như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trụ sở Bộ Ngoại giao…Và, có thể nói đây là quá trình nở rộ của việc du nhập các ngôn ngữ kiến trúc vào Việt Nam một cách rõ ràng nhất.
Sau thời kỳ này, Việt Nam rơi vào tình trạng chiến tranh triền miên, việc xây dựng và phát triển gần như bỏ ngỏ. Cho đến sau năm 1954, với sự giúp đỡ của các nước khối XHCN thì bức tranh toàn cảnh của kiến trúc Việt Nam lại được thay đổi bởi sự du nhập của ngôn ngữ kiến trúc Xô-viết, các công trình kiến trúc này đã rất thịnh hành vào những năm 80, và rất nhiều công trình còn tồn tại cho đến ngày nay như Cung Văn hóa Việt Xô, phần sảnh của Ga Hà Nội… Theo đánh giá chủ quan của tác giả thì trữ lượng bản địa hóa trong việc thiết kế và xây dựng các công trình này là rất ít, do những điều kiện khi xây dựng và nhu cầu cần có thêm các công trình mới của Việt Nam thời bấy giờ, trong khi việc nghiên cứu các yếu tố thích nghi với điều kiện địa phương về mọi mặt trong xây dựng cũng như thiết kế các công trình đó gần như không được đầu tư.
Sau năm 1986, Việt Nam chuyển sang thời kỳ mở cửa, kinh tế hội nhập cũng là cơ hội cho việc hội nhập kiến trúc, các ngôn ngữ kiến trúc phát triển đa dạng. Quá trình đô thị hóa phục vụ việc phát triển kinh tế chung của đất nước được hiện thực hóa bằng việc ra đời các khu “đô thị mới” tại các TP lớn của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho việc du nhập các ngôn ngữ kiến trúc của các nước phát triển vào Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến các ngôn ngữ kiến trúc hiện đại thông qua các văn phòng thiết kế kiến trúc của Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đặc biệt, sự xuất hiện kiến trúc nhà cao tầng bởi những nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và những ngôn ngữ kiến trúc do chính các nhà đầu tư quyết định lựa chọn. Ngôn ngữ kiến trúc từ đó phát triển theo xu thế “trăm hoa đua nở” từ hiện đại cho đến cổ điển, thậm chí các công trình cao tầng cũng xuất hiện các hệ mái mansard điển hình của kiến trúc thấp tầng Pháp… Các xu thế kiến trúc xuất hiện không có định hướng dựa trên sự phán đoán thị hiếu khách hàng và duy ý chí của các chủ đầu tư bất động sản. Có thể nói, đây là giai đoạn mà ngôn ngữ kiến trúc xuất hiện quá nhiều với vô vàn hình thức từ “ngoại nhập” cho đến “ngoại lai”. Nền kiến trúc đứng trước những thách thức rất lớn trước vấn đề “toàn cầu hóa” hay gìn giữ các yếu tố bản địa. Vì vậy, cần có những nghiên cứu một cách nghiêm túc, với cái nhìn tích cực trong việc ngoại nhập các ngôn ngữ kiến trúc hiện đại có chắt lọc, để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của xã hội vừa xây dựng một bộ mặt kiến trúc đô thị mới, hiện đại nhưng hài hòa với các điều kiện tự nhiên, văn hóa bản địa.
Toàn cầu hóa hay kiến trúc bản địa?
Rõ ràng toàn cầu hoá đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội, nó phục vụ các lợi ích cụ thể trong tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, trong việc đô thị hóa nói chung và xây dựng các ngôn ngữ kiến trúc nói riêng, nếu toàn cầu hoá mà không quan tâm đến yếu tố bản địa thì quả thật cũng có nhiều hệ lụy tai hại. Có nghĩa là xã hội cần phát triển nhưng không được phép để mất đi những yếu tố văn hóa bản địa.
Một thực tế là khái niệm kiến trúc bản địa tại Việt Nam vẫn đang được nhìn nhận với nhiều góc nhìn khác nhau. Tùy từng góc độ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt rất rõ ràng về yếu tố “bản sắc văn hoá” và các yếu tố bản địa khác:
- Thứ nhất, “bản sắc” do thiên nhiên ban tặng như Vịnh Hạ Long, Sapa trước kia, kiến trúc có vai trò làm tăng giá trị của những món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Và chắc chắn những “công trình” thiên nhiên này cần được bảo tồn và làm tăng giá trị của nó ở mức độ nghiêm túc nhất;
- Thứ hai là “bản sắc” do chính con người tạo ra, thường là những công trình có giá trị, gắn bó lâu dài trong tiến trình lịch sử của một con người. Những công trình đó thích nghi với điều kiện sống, điều kiện tự nhiên tại nơi nó tồn tại. Và chính công trình đó trở thành “bản sắc văn hóa địa phương” như Tháp Eiffel, Nhà hát Opéra Sydney,… Nhưng nên nhớ rằng trước khi xây dựng những công trình đó, không ai có thể nói rằng “bản sắc văn hóa” hay văn hóa bản địa là như vậy. Có nghĩa là: Chính các công trình kiến trúc được xây dựng tạo ra văn hóa bản địa, có giá trị lớn cần được bảo tồn – Bởi nó phù hợp với thói quen, có ý nghĩa về mặt biểu tượng, về địa danh và trở thành những dấu ấn cho một vị trí, một khu đất, đôi khi cả một đất nước.
Có thể thấy trong những năm gần đây, tại các đô thị lớn của Việt Nam và nhất là tại Hà Nội và TP.HCM, có khá nhiều các công trình kiến trúc được nghiên cứu thiết kế bởi các KTS nước ngoài, họ đã thực hiện theo các trào lưu khác nhau, với các thủ pháp khác nhau, nhưng lại được nghiên cứu thiết kế khá nghiêm túc và rất chú ý điến các điều hiện tự nhiên, khí hậu, địa hình và văn hóa địa phương trong những công trình của họ. Chính vì vậy, sau khi xây dựng họ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của xã hội. Chính các công trình này đã góp phần làm hoàn thiện thêm “bức tranh đô thị”, thậm chí thúc đẩy sự phát triển không gian kiến trúc – cảnh quan của cả một khu vực – Đây cũng chính là việc hiện đại hóa bản đại trong quá trình toàn cầu hóa.
Vì vậy, chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa hai khái niệm “toàn cầu hóa” và “bản địa hóa”. Không cứng nhắc mà luôn phải phát huy thế mạnh của từng cái và đảm bảo tính phù hợp tại mỗi thời điểm, điều kiện khác nhau.
Định hướng áp dụng kiến trúc ngoại nhập – Vấn đề còn bỏ ngỏ
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội là sự phát triển của đời sống đô thị, đặc biệt là các đô thị của những nước đang phát triển Việt Nam, có thể khẳng định ngôn ngữ kiến trúc không thể tự biệt lập, luôn giữ theo một phong cách nào đó nhất định mà rõ ràng nó sẽ tự cập nhật để hội nhập với kiến trúc thế giới, nhất là nền kiến trúc Việt Nam đã phải trải qua nhiều sự biến đổi từ việc đô hộ của phong kiến phương Bắc và quá trình thuộc địa hóa gần 100 năm của phương Tây.
Như đã nói ở trên, vấn đề “bản sắc hóa” và “hiện đại hóa” luôn là một chủ đề được đề cập và có nhiều tranh luận chưa có hồi kết. Điều này càng được bàn cãi nhiều hơn với các đô thị được xây dựng dựa trên các nền tảng văn hóa truyền thống như các các TP lớn của Việt Nam. Khi việc lựa chọn các ngôn ngữ kiến trúc ảnh hưởng bởi kiến trúc mới du nhập, vô hình chung nó tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa “bản sắc hóa” và “hiện đại hóa” với các kiểu loại hình kiến trúc mới.
Tuy nhiên, nếu trên góc nhìn tổng thể, khách quan mà nói không thể phủ nhận những đóng góp kiến trúc ngoại nhập với nhiều ưu thế tiên phong về công nghệ, tổ chức không gian, trong khi đó, yếu tố bản sắc vẫn có thể được kế thừa và lưu giữ. Hơn nữa, sự đa dạng trong phong cách kiến trúc đô thị luôn tự tiếp nhận thêm các yếu tố ngoại nhập là rất cần thiết, nó chính là những đặc trưng tương đồng với các vấn đề khác trong một xã hội hiện đại.
Vì vậy, cần xem xét sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc ngoại nhập là sự tất yếu trong quá trình hội nhập – công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhưng không vì thế mà dễ dãi chấp nhận mọi ngôn ngữ kiến trúc làm cho bức tranh tổng thể của đô thị trở nên hỗn độn, xấu xí không xứng với quá trình phát triển chung của xã hội. Một thực tế khá buồn: Các văn phòng kiến trúc nước ngoài khi thiết kế xây dựng các công trình của họ tại Việt Nam thì yếu tố bản địa và hiện đại hóa bản địa lại được nghiên cứu khá cẩn thận và kỹ lưỡng; trong khi đó chính các KTS Việt Nam vì một lý do nào đó lại dễ dãi cho ra đời những công trình nệ cổ, nhại cổ, “ngoại lai” không phù hợp với các yếu tố tự nhiên, khí hậu địa phương và văn hóa bản địa.
Nên chăng cần có những chế tài, những cơ sở pháp lý cụ thể trong việc áp dụng hay du nhập các ngôn ngữ kiến trúc “ngoại nhập”, để diện mạo kiến trúc nước nhà vẫn đáp ứng được yếu tố hiện đại trong quá trình hội nhập nhưng vẫn đảm bảo sự hòa hợp với bối cảnh tự nhiên và văn hóa bản địa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị