Kiến trúc hậu Covid-19: Sống xanh lên ngôi, nhà ở có khả năng “giao tiếp”
(Xây dựng) – Trong số các tiêu chí lựa chọn của Top 10 Awards, xanh – bền vững là yếu tố vô cùng quan trọng. Đại dịch Covid-19 có sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta. Việc ở trong nhà quá nhiều khiến nhu cầu kết nối với thiên nhiên và xã hội của chúng ta càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Không gian Triển lãm Top 10 Awards Pavilion 2021 sau cơn mưa của Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức). |
Chiều 30/7, Lễ trao giải thưởng thường niên Top 10 Awards vinh danh những thiết kế nhà ở và nội thất nổi bật của năm 2021 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là giải thưởng thường niên được bảo trợ bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
20 thiết kế được trao giải lựa chọn từ con số 210 công trình dự thi. Giải thưởng chia làm hai hạng mục, bao gồm 10 thiết kế đoạt giải Top 10 Houses Awards (công trình nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn đến mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh) và 10 thiết kế đoạt giải Top 10 Interior Design Awards (những công trình phong phú về không gian, bối cảnh, vật liệu, tính bản địa…).
Đẹp và công năng; phù hợp với môi trường, khí hậu; văn hóa, truyền thống, tính bản địa; an toàn cho người sử dụng; áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới là các tiêu chí để Ban Giám khảo lựa chọn công trình đoạt giải.
Giải thưởng Top 10 Awards 2021 diễn ra trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song vẫn nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế cùng hơn 100 công ty kiến trúc và nội thất trên cả nước.
TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo hạng mục Top 10 Houses Awards nhận định: “Các công trình tranh giải năm nay đã thể hiện được tinh thần sáng tạo về không gian, bối cảnh, tính bản địa, vật liệu… Các kiến trúc sư, nhà thiết kế cho thấy khát khao vượt qua các khuôn khổ sẵn có và tính chuyên nghiệp, tính quốc tế ngày càng cao cùng sự thấu hiểu tâm lý người dùng, vốn có nhiều biến động sau đại dịch”.
KTS. Lê Trương – Trưởng Ban Giám khảo hạng mục Top 10 Interior Design Awards nhận định: “Top 10 Interior Design Awards 2021 đã xuất hiện những bài thi xuất sắc, chứng tỏ tài năng và bản lĩnh của các nhà thiết kế. Tôi cho rằng, hành trình mới chỉ là bắt đầu.
Chúng ta chờ đợi sự mới mẻ, tiên phong, khác biệt ở phía trước. Sứ mệnh của các nhà thiết kế là đóng góp và định hình cho xã hội Việt Nam phát triển văn minh, thẩm mỹ và có bản sắc”.
Hình ảnh các công trình đoạt giải được trưng bày trong một không gian Pavilion bằng chất liệu gỗ được thiết kế dành riêng cho giải thưởng, mô phỏng biểu tượng logo của Top 10 Awards.
Bản thân Pavilion là một thông điệp về lối sống xanh. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là một hình khối tam giác phát triển theo tuyến dài, có hình dáng tựa như mũi tên, thể hiện hàm ý về sự phát triển mạnh mẽ, bền vững, vươn tới đỉnh cao trí tuệ và sức sáng tạo, để từ đó kiến trúc – nội thất tiên phong hướng đến giải quyết những vấn đề của cuộc sống đương đại.
Trong số các tiêu chí lựa chọn của Top 10 Awards, xanh – bền vững là yếu tố vô cùng quan trọng. Đại dịch Covid-19 có sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta. Việc ở trong nhà quá nhiều khiến nhu cầu kết nối với thiên nhiên và xã hội của chúng ta càng trở nên mạnh mẽ hơn. Sự thay đổi đó thúc đẩy hành vi, xu thế kiến trúc.
Rất nhiều trong số các đồ án đoạt giải về nhà ở đã đưa con người tìm về với thiên nhiên, cây xanh hiện diện mạnh mẽ trong thiết kế… Xu hướng kiến trúc xanh còn được thể hiện thông qua chất liệu. Trên thực tế, lượng chất xả thải từ sản phẩm xây dựng, nội thất ra môi trường rất lớn. Việc tái chế, giảm ảnh hưởng tác động đến môi trường cũng là tiêu chí được Ban tổ chức khuyến khích.
Trong các đồ án đoạt giải, nhiều kiến trúc sư sử dụng đa dạng các vật liệu có khả năng tái chế, vật liệu bản địa, địa phương như đá, gạch, đất tại chỗ…
Song song với Lễ trao giải, Triển lãm Top 10 Awards Pavilion 2021 được trưng bày từ 29-31/7 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức). |
Nói về xu thế giải thưởng những năm tiếp theo, KTS. Vương Đạo Hoàng khẳng định: “Ban tổ chức sẽ đánh giá cao những kiến trúc nhà ở và nội thất có khả năng kết nối con người với con người, giải phóng con người khỏi những uẩn ức, đứt gãy về mặt xã hội cũng như thiên nhiên. Những đồ án đưa con người gắn kết với kiến trúc xanh, môi trường cũng sẽ trở thành xu thế”.
“Một kiến trúc ấn tượng cũng phải tạo ra “ngôn ngữ giao tiếp”, giúp con người trong gia đình có không gian gặp gỡ, trao đổi với nhau thay vì các cá thể trở về nhà, đóng chặt cửa phòng, mỗi người một thiết bị điện tử”, KTS. Vương Đạo Hoàng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng