Kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm

Đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn quốc. Ảnh: Báo đầu tư

Theo Quyết định trên, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về an toàn thực phẩm.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về an toàn thực phẩm; kịp thời đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý trong trường hợp công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên diện rộng.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về an toàn thực phẩm.

Thành viên Ban Chỉ đạo

Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. 

Các Phó trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế (Phó Trưởng ban thường trực); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm (ủy viên thường trực) và Thứ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.

Ngoài ra, ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng ban và ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ, ngành, cơ quan mình trong công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.

Thành Long

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích