Kiến nghị tiếp tục triển khai Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Để tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết 54 nhất là về cơ chế tài chính, TP.HCM kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế. Đồng thời báo cáo Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết Nghị quyết số 54 mới nhằm tạo ra cơ chế, chính sách mới để Thành phố tiếp tục là tấm gương đi đầu trong đổi mới, năng động sáng tạo theo nhiệm vụ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt của Thành phố ngày 23/9 vừa qua.

Về việc thực hiện chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, UBND TP.HCM cho biết, kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của Thành phố trong năm 2018 là 2.816 tỷ đồng, năm 2019 là 7.637 tỷ đồng, năm 2020 là 4.265 tỷ đồng, năm 2021 là 6.811 tỷ đồng và dự toán bố trí năm 2022 là 4.491 tỷ đồng. Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm đã nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trước, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như một số đối tượng có tham gia công tác và có đóng góp cho hệ thống chính trị Thành phố nhưng chưa thuộc đối tượng được hưởng chính sách chi thu nhập tăng thêm. Đơn cử như cán bộ, công chức, viên chức được phân công cử sang làm việc tại các cơ quan đơn vị ngoài các cơ quan Đảng, nhà nước… Do đó, giữa những trường hợp này còn có sự so bì, tâm tư, chưa tạo động lực lan tỏa đồng đều trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, một số cơ quan đơn vị chưa thực sự tổ chức việc đánh giá phân loại hàng quý, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, góp ý và tiếp thu góp ý của đồng nghiệp, vẫn còn tình trạng nể nang, cào bằng khi rà soát chấm điểm nên việc đánh giá phân loại chưa phản ánh hết năng lực thái độ và tinh thần đối với công việc thực tế của cán bộ công chức viên chức.

Trên cơ sở đó UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư. Ngoài ra, cần bổ sung một số giải pháp theo hướng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối nhịp hai bờ Đông - Tây của sông Sài Gòn. Ảnh: Đại Quang Minh
TP.HCM đạt được nhiều thành quả sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết số 54/2017.

“Có thể nói, trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có thuận lợi, khó khăn và cơ hội, thách thức đan xen, Nghị quyết số 54/2017 ra đời đã tạo điều kiện cho Thành phố tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn. Đây chính là quyết sách quốc gia kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố”, báo cáo của UBND TP.HCM nêu rõ.

Theo UBND TP.HCM, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền định phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong ước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho Thành phố vay lại đã giúp có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển.

Ngoài ra, UBND TP.HCM triển khai chính sách chi thu nhập tăng thêm đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện Thành phố. Với mật độ dân số của Thành phố rất cao như hiện nay, tỷ lệ người dân mà mỗi công chức phải phục vụ là cao nhất cả nước, cường độ làm việc rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch, áp lực càng tăng cao, việc triển khai thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, là một cơ chế đã tạo được động lực góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích