Kiến nghị rõ trách nhiệm xử lý các tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ báo cáo giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Chất lượng cuộc giám sát đạt yêu cầu đề ra. Các nội dung nhận định, đánh giá có tính thực tiễn, có căn cứ khoa học lý luận, bám sát mục tiêu, quan điểm, phạm vi, đề cương giám sát. Các giải pháp, kiến nghị, đề xuất rõ ràng, cụ thể và có căn cứ, bảo đảm tính khả thi. Nội dung báo cáo và dự thảo Nghị quyết được Chính phủ, các bộ, ngành tham gia ý kiến và cơ bản thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (ảnh: Quốc hội) |
Về nội dung báo cáo kết quả giám sát, nhất là báo cáo tóm tắt và phim tư liệu cần nêu rõ: Mục tiêu, quan điểm, phạm vi, nội dung trọng tâm của chuyên đề giám sát; Tóm lược quá trình tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung, giới hạn phạm vi giám sát chuyên đề; Việc huy động lực lượng tham gia, quy mô, tầm vóc của chuyên đề giám sát.
Đồng thời, bổ sung, đánh giá sâu sắc hơn những ưu điểm, thành tựu đạt được, dẫn chứng các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương làm tốt; nhận diện rõ những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế.
Bổ sung đầy đủ thông tin, số liệu, kết quả giám sát: Danh mục dự án vi phạm như dự án đầu tư không hiệu quả; dự án treo; dự án chậm tiến độ; dự án BOT, BT có vướng mắc; Đất nông, lâm trường đến nay chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích; đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; đất nông nghiệp để hoang hóa,…
Đề xuất, kiến nghị rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ đối tượng, rõ thời gian, thời hạn hoàn thành. Trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các dự án chậm tiến độ, dự án vi phạm, đầu tư không hiệu quả, dự án BT, BOT; diện tích đất nông, lâm trường, nông nghiệp để hoang hoá. Kiến nghị trách nhiệm xử lý các tồn tại, hạn chế này, nhất là các dự án đầu tư không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí…
Dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể trách nhiệm, thời hạn thực hiện, hoàn thành để tạo bước chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội phát động cuộc vận động trong cả nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng tới tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Hằng năm, Chính phủ tổ chức phong trào thi đua, ban hành chương trình hành động, tổ chức hội nghị quán triệt triển khai trên toàn quốc việc thực hiện để tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận này của phiên họp.
Nguồn: Báo lao động thủ đô