Kiến nghị cấp kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật tối thiểu theo đầu người dân

Theo Bộ Tư pháp, trong những năm qua, hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động PBGDPL. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cấp huyện, cấp xã.

Về đề nghị của thành phố Hà Nội, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu các đề xuất của bộ, ngành, địa phương và rà soát quy định của Luật PBGDPL để xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL cho phù hợp với tình hình mới.

Kiến nghị cấp kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật tối thiểu theo đầu người dân
Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân.

Tuy nhiên, theo quy định của Kết luận số 80-KL/TW, Quyết định số 1521/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới, nguồn lực PBGDPL cần tập trung cho đối tượng đặc thù, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; các vấn đề cấp bách cần phổ biến theo yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung quy định xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong nhà trường, có thể nghiên cứu theo hướng giao thẩm quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường công nhận, quản lý, đào tạo đội ngũ này.

Trả lời, Bộ Tư pháp cho biết, Điều 35 Luật PBGDPL thẩm quyền quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật như sau: “Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận cấp huyện”.

Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong nhà trường là rất cần thiết. “Theo quy định hiện nay, đề nghị địa phương căn cứ vào yêu cầu công tác PBGDPL và điều kiện thực tế quan tâm, đề xuất các giáo viên, giảng viên dạy tại các trường, cơ sở đào tạo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Việc quy định như vậy nhằm bảo đảm một đầu mối quản lý, theo dõi thống nhất hoạt động của đội ngũ này”, Bộ Tư pháp cho biết.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích