Kiến nghị biện pháp nâng cao chất lượng thử nghiệm thành thạo

Ông Đinh Văn Trữ, Phó chủ tịch Hội các Phòng Thí nghiệm TP.HCM (Vinatest) dẫn dắt chương trình tại hội thảo. Ông Trữ nhấn mạnh tầm quan trọng của nước trong cuộc sống không chỉ với con người mà đối với mọi vật, hoạt động… trên toàn cầu. Do vậy, hàng năm triển lãm và hội thảo ngành nước diễn ra thu hút trên 450 công ty của hơn 25 quốc gia tham dự, trưng bày sản phẩm cùng hàng ngàn khách tham quan.

Ông Đinh Văn Trữ dẫn dắt chương trình tại Hội thảo.

Hội thảo “Công nghệ mới về Phân tích và Xử lý nước” năm nay cũng thu hút đông đảo doanh nghiệp và khách mời tham dự, với phần trình bày của báo cáo viên là các chuyên gia đến từ các tổ chức thí nghiệm uy tín, trong đó có chuyên gia của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3).

Ông Phan Thành Trung, Trưởng phòng Thử nghiệm của QUATEST 3 đã trình bày nội dung “Một số nhận xét sơ bộ về kết quả thử nghiệm nước sạch qua các chương trình thử nghiệm thành thạp PT trong thời gian qua”.

Ông Phan Trung chia sẻ và phân tích số liệu được công bố trong báo cáo kết thúc các chương trình chỉ tiêu hóa lý và vi sinh do QUATEST 3 tổ chức trong năm 2021-2022. Từ số liệu được xử lý cho thấy góc nhìn cơ bản về năng lực của các phòng thí nghiệm (PTN) trong thử nghiệm chỉ tiêu cơ bản trên nền nước sạch được tổ chức thử nghiệm thành thạo (TNTT) tại QUATEST 3. Đồng thời, báo cáo đã nêu một số hạn chế của chương trình TNTT và đề xuất, góp ý nhằm cải thiện chất lượng chương trình TNTT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các PTN.

TNTT là phương thức đánh giá năng lực của PTN tham gia, dựa trên các tiêu chí đã được thiết lập từ trước dưới hình thức so sánh liên phòng.

Ông Phan Thành Trung, chuyên gia của QUATEST 3 trình bày tại Hội thảo.

QUATEST 3 là đơn vị thực hiện chương trình TNTT trên các nền mẫu khác nhau. Đối với nền mẫu nước sạch, từ giai đoạn từ 2021 – 2022, QUATEST 3 thực hiện 20 chương trình, với 282 PTN trên cả nước tham gia, 904 chỉ tiêu thử nghiệm về hoá lý và vi sinh. Đây là con số khá lớn về TNTT, trong đó miền Nam chiếm 60 %, miền Bắc 18 %, miền Trung 13 % và đặc biệt có các PTN nước ngoài như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Cambodia tham dự với tỉ lệ 9 %.

Nhóm chỉ tiêu chính trong chương trình TNTT do QUATEST 3 thực hiện gồm: Nhóm chỉ tiêu hóa lí (kim loại nặng, chỉ tiêu anion, chỉ tiêu hóa cơ bản); Nhóm chỉ tiêu vi sinh. Các chương trình này hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn quốc gia về nước sạch như: QCVN 01-1:2018/BYT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, QCVN 6-1: 2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai.

Các chương trình TNTT được QUATEST 3 tổ chức phù hợp với hệ thống chất lượng ISO/IEC 17043 và yêu cầu của khách hàng. Chương trình TNTT của QUATEST 3 đã được tổ chức American Association for Laboratory Accreditation A2LA Hoa Kỳ công nhận là “Tổ chức cung cấp dịch vụ thử nghiệm thành thạo” theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17043:2010.

Chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho chương trình đến từ các PTN của QUATEST 3 có năng lực và thời gian công tác lâu năm trong PTN; Các phương pháp thử của các phòng thử nghiệm tham gia chủ yếu là tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi như: ISO, TCVN, SMEWW, EPA… 

Ghi nhận kết quả từ chương trình TNTT do QUATEST 3 thực hiện, ông Trung chia sẻ: Các PTN tham gia đa dạng và phân bổ trong cả nước, năng lực, trình độ PTN đã tham gia TNTT nhìn chung tương đối đồng đều trong thử nghiệm chỉ tiêu cơ bản theo yêu cầu theo Quy chuẩn quốc gia về nước sạch, tỉ lệ kết quả báo cáo có số lạc < 10% tổng số chi tiêu báo cáo, tập trung nhiều vào nhóm chỉ tiêu: Anion; Esherichia coli, tổng số Coltiform…

 Đại diện doanh nghiệp tham gia đặt câu hỏi với diễn giả tại Hội thảo.

Tuy nhiên, các chương trình còn có mặt hạn chế đó là: việc lựa chọn, áp dụng phương pháp thử ở các PTN khá đa dạng, một số phương pháp thử không phải là văn bản do tổ chức tiêu chuẩn hóa ban hành (ví dụ: phương pháp thử HACH, nội bộ…). Điều này làm cho việc đánh giá kết quả khá phức tạp; Một số ít chương trình chỉ tiêu hóa lý có số PTN tham gia ít, các chỉ tiêu thử nghiệm còn đơn giản, chưa tập trong vào nhóm hợp chất hữu cơ, nguy cơ cao; một số PTN chưa quan tâm đến việc ước lượng, tính và cung cấp độ không đảm bảo đo khi báo cáo kết quả…

Thông qua kết của các chương trình TNTT trên, QUATEST 3 đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thử nghiệm cho các PTN qua chương trình TNTT gồm: Tổ chức các chương trình TNTT hướng đến các chỉ tiêu có nguy cơ, có độ khó cao trong nước sạch như: vi sinh, độc tố, tồn dư chất hữu cơ…; Xây dựng/liên kết đội ngũ chuyên gia sâu chuyên môn về kỹ thuật và khai thác số liệu; Định hướng, khuyến khích các PTN áp dụng phương pháp thử phù hợp với nội dung và mục đích đã được quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan; Xây dựng các chương trình TNTT nhiều vòng, đánh giá tiến bộ của các PTN qua từng vòng, có biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực của các PTN (nếu cần thiết); Liên kết các đơn vị trong và ngoài nước để cung cấp trọn gói chỉ tiêu theo yêu cầu của các QCVN về chất lượng nước sạch; Các cơ quan quản lý có chính sách/quy định thống nhất và minh bạch về việc yêu cầu các PTN tham gia, sử dụng kết quả TNTT, so sánh liên phòng vì đây là một trong những công cụ chính để đánh giá, xem xét năng lực kỹ thuật của các PTN;…

PV

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích