Kiên Giang: Xử phạt cơ sở nuôi tôm công nghiệp xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường

UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 159 triệu đồng đối với ông Trần Văn Tình, chủ cơ sở chăn nuôi tôm công nghiệp tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Người dân bức xúc khi con kênh bị “đầu độc” bởi nước thải từ cơ sở nuôi tôm công nghiệp. (Ảnh: baokiengiang.vn)

Cụ thể, ông Tình vi phạm quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài tiền phạt, ông còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cải tạo hệ thống xử lý nước thải và sửa chữa các hạng mục gây ô nhiễm.

Trước đó, vào ngày 23/4, nhiều hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản tại phường Mỹ Đức phản ánh tình trạng cơ sở nuôi tôm công nghiệp xả thải trực tiếp ra các kênh Đồn Tả và Bà Lý, gây mùi hôi thối và làm chết hàng loạt tôm, cua, cá trong khu vực. Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng thành phố Hà Tiên đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước thải và xác định lượng nước thải của cơ sở ông Tình vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 đến 5 lần.

Công an TP.Hà Tiên đã lập biên bản và chuyển hồ sơ đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để xử lý theo quy định pháp luật. Sau khi bị xử phạt, ông Trần Văn Tình đã cải tạo hệ thống ao nuôi và xử lý nước thải. Ông đã xây dựng thêm một ao chứa nước thải với diện tích 0,2 ha và sức chứa khoảng 5.000 m³, đồng thời lắp đặt hệ thống xử lý nước thải qua hai ao lắng, sau đó mới bơm nước qua quá trình xử lý bằng Clo trước khi thải ra môi trường.

Ngoài ra, ông cũng xây dựng hệ thống hầm Bio-Gas rộng 60 m² chứa chất thải rắn và xử lý thông qua hệ vi sinh kỵ khí, biến chất thải thành khí gas dùng trong đun nấu. Hệ thống kênh cấp nước chung cũng được cải thiện để đảm bảo lưu thông nước tốt hơn, tránh tình trạng ứ đọng, ảnh hưởng đến khu vực nuôi tôm.

Liên quan đến vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, theo Trưởng Ban pháp chế, Hội đồng Nhân dân tỉnh, qua giám sát chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh mới đây, đoàn giám sát phát hiện môi trường bị ô nhiễm nặng. Tại nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa ở Hòn Đất, tình trạng tích tụ rác thải hơn 200.000 tấn đã gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Mặc dù nhà máy đã bắt đầu hoạt động lại, nhưng dự kiến phải mất ba năm nữa mới có thể xử lý hết lượng rác tồn đọng.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn nhức nhối tại tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: suckhoemoitruong.com.vn)

Khu vực cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành cũng đang chịu ô nhiễm nặng từ các cơ sở chế biến hải sản và bột cá, ảnh hưởng đến cả môi trường không khí và nguồn nước. Dù đã có biện pháp xử lý hành chính, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tại thành phố Phú Quốc, bãi tập kết rác thải tại Đồng Cây Sao đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân và du khách do rác thải không được xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước vấn đề cấp bách này, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang – ông Phạm Văn Màu đã kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường đầu tư công tác xử lý rác thải, nước thải, đặc biệt tại các đô thị lớn như Phú Quốc, Rạch Giá và Hà Tiên. Ông nhấn mạnh cần có sự kết hợp giữa nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích