Kiên Giang: Liệu UBND tỉnh có thực hiện quy hoạch cấp nước?

(Xây dựng) – Vấn đề cấp nước sạch cho nhân dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng đã trở thành vấn đề bức xúc. Vấn đề này không những được Thủ tướng Chính phủ quan tâm mà các Bộ, ngành liên quan cũng hết sức quan tâm. Chính phủ đã có nhiều chương trình giao cho từng Bộ, ngành thực hiện việc chống nhiễm mặn Đồng bằng sông Cửu Long và dự trữ nguồn nước ngọt để cấp cho nhân dân trong giai đoạn hạn hán.

Kiên Giang: Liệu UBND tỉnh có thực hiện quy hoạch cấp nước?
Khu công nghiệp Thành Lộc Kiên Giang.

Cách đây vài năm, nhiều tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt để cung cấp cho nhân dân. Có nhiều nơi phải huy động từng xe téc nước về cho nhân dân sử dụng. Vì vậy, việc quan tâm trong công tác quy hoạch cấp nước cần phải được đặt lên hàng đầu để đảm bảo đủ nước cung cấp cho nhân dân trong mùa khô hạn. Không những thế, nước cấp sinh hoạt phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.

Một vài tháng gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Kiên Giang đã không thực hiện quy hoạch cấp nước được phê duyệt gây ra tình trạng sử dụng nước lãng phí và không hiệu quả. Nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi được biết:

Ngày 27/11/2014, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 2487/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025.

Ngày 8/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2140/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Theo khoản 3 điều 2 của Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Kiên Giang nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước thực tế của địa phương, cân đối quy mô công suất, phạm vi cấp nước của các nhà máy nước hiện hữu, các nhà máy nước dự kiến xây dựng có tính đến giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, phù hợp với quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy định.

Kiên Giang: Liệu UBND tỉnh có thực hiện quy hoạch cấp nước?
Công ty nước sạch Kiên Giang.

Ngày 3/7/2017, Bộ Xây dựng có Công văn số 1500/BXD-HTKT gửi UBND tỉnh Kiên Giang, về việc điều chỉnh danh mục nhà máy nước trong quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, trong đó có nêu ra biện pháp tăng lượng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Cụ thể, tại Rạch Giá (vùng 1) tỉnh Kiên Giang giải quyết nâng công suất Nhà máy nước Rạch Giá thêm 20.000m3/ngày đêm (nâng công suất từ 50.000m3/ngày đêm lên 70.000m3/ngày đêm); Xây dựng Nhà máy nước Nam Rạch Giá công suất 20.000m3/ngày đêm (năm 2020) và nâng công suất lên 40.000m3/ngày đêm (đến năm 2025). Trong quy hoạch này chưa đề cập đến Dự án Nhà máy nước Bắc Rạch Giá.

Ngày 3/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong phần quy hoạch cấp nước đã quy định rõ những nhà máy nước mở rộng nâng công suất, những nhà máy nước xây dựng mới tại tỉnh Kiên Giang.

Mặc dù trong tất cả các quy hoạch cấp nước của tỉnh Kiên Giang không có tên Nhà máy nước Thành Lộc nhưng nhà máy này vẫn được xây dựng và còn bán nước cho Công ty nước Kiên Giang để phục vụ sinh hoạt mặc dù chất lượng không đảm bảo.

Được biết, nhà máy này ra đời nhằm phục vụ cấp nước cho Khu công nghiệp Thành Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Nhà máy do Ban Quản lý khu công nghiệp cấp giấy phép đầu tư và các thủ tục xây dựng với quy mô công suất khoảng 5.000m3/ngày đêm và chỉ phục vụ cho khu công nghiệp.

Trong khi theo các quy hoạch về cấp nước (vùng 1 – Rạch Giá) đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì hiện tại ngoài Nhà máy cấp nước Rạch Giá cũng được UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng nâng công suất theo quy hoạch. Nhà máy nước Nam Rạch Giá cũng đã xây dựng hoàn thành đi vào sử dụng nhiều năm nay, hiện công suất đạt khoảng 20.000m3/ngày đêm. Nhà máy nước Rạch Giá cũng đang có chương trình mở rộng nâng công suất theo quy hoạch.

Một nghịch lý trong việc sử dụng nước cấp sinh hoạt cho người dân tại Rạch Giá đã xảy ra nhiều bất cập. Cụ thể: Ngoài Nhà máy nước Kiên Giang cấp nước cho dân cư của Rạch Giá, còn có nhà máy nước Nam Rạch Giá đã đạt khoảng 20.000m3/ngày đêm, nhưng Tổng giám đốc Nhà máy nước Kiên Giang chỉ mua khoảng 11.000m3 để cấp nước cho nhân dân, như vậy lượng nước dư thừa của Nhà máy nước Nam Rạch Giá là rất lớn, gây ra nhiều thiệt hại cho nguồn vốn Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong nhà máy, dẫn đến hiệu quả sử dụng nước ngọt lãng phí.

Không những thế, Tổng giám đốc Nhà máy cấp thoát nước Kiên Giang còn cho vận hành một số giếng khoan để đưa vào mạng lưới cấp nước sinh hoạt, trong khi UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo không được sử dụng nước ngầm để cấp nước sinh hoạt. Mặt khác, ông Tổng giám đốc này còn ký hợp đồng mua nước của Nhà máy nước Thành Lộc để đưa vào mạng cấp nước sinh hoạt, trong khi nhà máy này chưa đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt và giấy phép khai thác nước cũng đã hết hạn từ năm 2022? Điều đặc biệt, nhà máy này không có trong quy hoạch cấp nước của tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dư luận đặt dấu hỏi nghi vấn: Ông Tổng giám đốc nhà máy nước Kiên Giang có kiến thức về lĩnh vực cấp nước, có hiểu biết về luật pháp hay không mà lại ngang nhiên hành động vi phạm pháp luật? Cách làm này sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch cấp nước tỉnh Kiên Giang và gây ra những hậu quả khôn lường, nếu thời tiết bất lợi gây nắng hạn kéo dài như một vài năm về trước.

Với những việc làm sai trái như vậy, các ban, ngành của tỉnh và UBND tỉnh không thống nhất đưa Nhà máy Thành Lộc vào quy hoạch cấp nước. Điều đó thể hiện ở quy hoạch tổng thể tỉnh Kiên Giang gần đây mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/11/2023. Việc xây dựng mới nhà máy cấp nước Thành Lộc, việc khai thác nước ngầm đều không được đưa vào trong quy hoạch này.

Ai, cá nhân nào đã chống lưng cho ông Tổng giám đốc nhà cố tình vi phạm như chúng tôi đã nêu ở trên? UBND tỉnh Kiên Giang cần làm rõ, xử lý dứt điểm và công khai trước dư luận.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích