Kiên Giang: Gỡ nút thắt trong xử lý rác thải
Kiên Giang: Gỡ nút thắt trong xử lý rác thải
Tốc độ phát triển nhanh trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường lại chưa đồng bộ khiến Kiên Giang đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đầu tư khu xử lý rác thải
Theo số liệu thống kê, năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hơn 1.400 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 700 tấn, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 713 tấn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 86% (tương đương 600 tấn/ngày), khu vực nông thôn trên 46% (tương đương 330 tấn/ngày). Hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ xử lý chôn lấp hợp vệ sinh toàn tỉnh chỉ đạt 44%.
Ngày 19/10, tại Hội thảo công nghệ và xu hướng xử lý rác tại Kiên Giang do Sở KN&CN tỉnh tổ chức, ông Huỳnh Vĩnh Lạc – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cho biết, hiện Kiên Giang có 01 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động là Nhà máy xử lý rác thành phố Rạch Giá (xử lý rác thải của thành phố Rạch Giá và một phần của các huyện: Hòn Đất, An Biên, Tân Hiệp, Châu Thành); Nhà máy xử lý rác Phú Quốc công suất 200 tấn/ngày và Nhà máy xử lý rác Long Thạnh (huyện Giồng Riềng) công suất 245 tấn/ngày đang trong đoạn vận hành thử nghiệm. Sở đã đầu tư lò đốt rác BD-Anpha tại các xã đảo: Tiên Hải, Hòn Nghệ, An Sơn, Lại Sơn.
Theo Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 56 trạm trung chuyển chất thải rắn, trong đó có 10 trạm đô thị và 46 trạm nông thôn, 07 khu xử lý chất thải rắn liên huyện; 07 bãi chôn lấp khu vực đô thị; 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn và 10 lò đốt xã đảo; có 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 85% tổng lượng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường; 35% tổng số hộ trong khu vực đô thị và 25% số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; sử dụng 100% túi nilon thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị…
Tỉnh cũng sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa đối với các bãi chôn lấp đã hết công suất hoặc đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát. Đến năm 2030, có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 90% tổng lượng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường; 60% tổng số hộ trong khu vực đô thị và 50% số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Phát biểu tại Hội thảo công nghệ và xu hướng xử lý rác tại Kiên Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, địa phương bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý Nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng để từ đó đề xuất định hướng, xu hướng và công nghệ xử lý rác để mang lại hiệu quả cao nhất. Tỉnh cũng có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, ngành, nghề ưu đãi đầu tư gồm: thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ; xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) trở lên đối với khu vực đô thị từ loại IV; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung; xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại; quan trắc môi trường; sản xuất các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; thiết bị quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục; thiết bị đo đạc, lấy mẫu và phân tích môi trường.
Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện nhiều ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường…; Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; ưu tiên bố trí quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; về thuế thu nhập doanh nghiệp; về thuế nhập khẩu; trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị