Kiên Giang cần tập trung kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản
Sáng 23/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 38 năm xây dựng và phát triển, Kiên Giang có bản quy hoạch tỉnh được tích hợp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch, tỉnh đã huy động sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để có bản quy hoạch tốt nhất với mục tiêu để Kiên Giang phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia.
Các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; còn Hà Tiên là đô thị di sản.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng, tương đương 4.985 USD; tỉ lệ hộ nghèo đạt dưới 2% theo tiêu chuẩn hiện hành.
Tỉ trọng khu vực nông – lâm – thuỷ sản chiếm 29,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 24,7%, trong đó, công nghiệp chiếm khoảng 15%, dịch vụ chiếm 41,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,6% trong cơ cấu kinh tế tỉnh.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 4,7%/năm thời kỳ 2021 – 2030.
Giai đoạn sau năm 2030, thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logistics cảng biển, đô thị – dịch vụ – du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp – chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thuỷ sản và cảng hàng không Rạch Giá.
Tỉnh cũng sẽ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang, bao gồm Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu vực cửa khẩu Giang Thành.
Quy hoạch cũng xác định có hơn 200 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nhân dịp Hội nghị công bố Quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã trao 11 chủ trương đầu tư và 18 biên bản ghi nhận nghiên cứu đầu tư của các nhà đầu tư sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh, sớm hiện thực hóa các dự án đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; kịp thời thông tin, trao đổi cùng chính quyền tỉnh Kiên Giang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, với tinh thần “đồng hành cùng phát triển”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên đứng thứ hai về quy mô kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ định hướng phát triển và những nhiệm vụ cần triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang, trong quá trình triển khai, phải bảo đảm tuân thủ Quy hoạch nhưng không cứng nhắc; bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác.
Để thực hiện tốt Quy hoạch, Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh cần xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch; chú trọng quảng bá rộng rãi Quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức khi triển khai công trình, dự án cụ thể.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục tận dụng tốt tiềm năng kinh tế biển; chủ động thực hiện các dự án giao thông đường bộ đồng thời chú trọng phát triển giao thông đường thuỷ để nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông địa phương.
Tỉnh Kiên Giang cần chú trọng nâng cao tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để đưa chế biến nông sản đến gần vùng nguyên liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu-một vị thế của Việt Nam được nhiều quốc gia khâm phục và mong muốn học hỏi.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cần chú trọng thu hút các dự án nuôi trồng thuỷ sản để tiến tới chấm dứt việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” hải sản của Uỷ ban châu Âu (EC), bảo vệ và phát triển ngành thuỷ sản bền vững của đất nước.
Tỉnh Kiên Giang cũng cần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao, bảo đảm an ninh, an toàn, thân thiện với môi trường và du khách; quản lý tốt quy hoạch Phú Quốc; tính đến các dự án lấn biển để mở rộng không gian phát triển.
Trong quá trình phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề biến đổi khí hậu vốn đang tác động nhanh và dữ dội hơn dự báo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước và là 1 trong 7 tỉnh, thành phố ven biển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỉ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP của tỉnh, trong đó xuất khẩu nông, thủy sản tăng trưởng gần 12%/năm và đóng góp khoảng 20%.
Tăng trưởng ngành du lịch gần 16%/năm; lượng khách du lịch đến Kiên Giang chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch của vùng, doanh thu từ ngành du lịch của Kiên Giang tăng bình quân 35%/năm và đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Nửa đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân, tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong năm 2021, đạt mức tăng trưởng 7,5% năm 2022 và ước đạt 6,79% năm 2023.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu