Kiện con trai U50 ra tòa vì tội “ăn bám”
Kiện con trai U50 ra tòa vì tội “ăn bám”
Một người phụ nữ Ý gần đây đã kiện hai người con trai gần 50 tuổi của mình ra tòa vì không chịu ở riêng cũng không chịu làm việc nhà.
Người phụ nữ 75 tuổi đến từ thành phố Pavia, miền bắc nước Ý, từ lâu đã cố gắng thuyết phục hai đứa con của mình rời khỏi nhà, đặc biệt là khi cả hai đều có việc làm và có đủ khả năng thuê nhà riêng. Tuy nhiên, hai người con chưa bao giờ nghĩ đến ý tưởng đó và họ thậm chí không chịu đóng góp tài chính hay làm việc nhà giúp mẹ. Trong khi người mẹ ly thân với chồng phải sống nhờ tiền trợ cấp, tất cả đều dùng để trang trải nhà cửa và cung cấp thực phẩm.
Vì vậy, người phụ nữ lớn tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa hai đứa con, một người 42 tuổi, một người 40 tuổi của mình ra tòa.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, ở Ý, việc con cái ở độ tuổi 30 hay 40 vẫn sống với cha mẹ là điều phổ biến và được chấp nhận như một nét văn hóa.
Theo đó, Ý là quốc gia có tỷ lệ người trưởng thành vẫn sống cùng cha mẹ cao nhất. Theo dữ liệu từ năm 2022, gần 70% người trưởng thành từ 18 đến 34 tuổi vẫn sống ở nhà với cha mẹ. Tuy nhiên, trường hợp khởi tổ để đuổi con ra khỏi nhà như bà mẹ trên là rất hiếm.
Điều này được cho là xuất phát từ tục lệ ở lại mái ấm gia đình cho đến khi trưởng thành đặc biệt phổ biến ở nam giới, những người được mệnh danh là “mammoni” hay “con trai của mẹ”.
Biết được điều này, các con trai bà đã đến gặp luật sư và kiện mẹ để ngăn đuổi họ khỏi nhà. Hai con trai lập luận rằng các bậc cha mẹ Ý theo truyền thống có nghĩa vụ phải nuôi nấng, hoặc hỗ trợ con đến khi mà con thấy không cần nữa.
Sau cùng, vụ án kỳ lạ trên đã kết thúc với phán quyết đứng về phía người mẹ 75 tuổi và đưa ra thông báo “trục xuất” đối với hai người con trai. Trong phán quyết của mình, thẩm phán lập luận rằng mặc dù cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con cái cho đến khi chúng đủ 18 tuổi, tuy nhiên chuyện đó có vẻ không còn chính đáng nữa khi xem xét hai bị đơn đều là đối tượng trên 40 tuổi và khi đã vượt quá một độ tuổi nhất định, con cái không thể tiếp tục mong đợi cha mẹ duy trì nghĩa vụ cấp dưỡng vượt quá giới hạn bất hợp lý. Hai người con sẽ phải dọn ra khỏi nhà trước ngày 19/12.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện về “mammoni”, từ tiếng Ý dùng để chỉ những người đàn ông trưởng thành quá phụ thuộc vào mẹ, xuất hiện trong hệ thống tư pháp nước này. Thậm chí, một chính trị gia nước này còn sử dụng cụm từ “bamboccioni” (những đứa trẻ lớn) để chế nhạo những người trưởng thành vẫn ăn bám cha mẹ.
Trong một vụ kiện vào năm 2020, Tòa án Tối cao Ý cũng từng ra phán quyết chống lại một người đàn ông 35 tuổi làm giáo viên dạy nhạc bán thời gian. Người này vẫn ăn bám cha mẹ và mong đợi họ hỗ trợ tài chính với lập luận rằng anh ta không thể tự trang trải cuộc sống với mức lương 20.000 euro/năm.
Từ câu chuyện trên, vấn đề dạy con tự lập một lần nữa được nhiều người nhắc đến. Phải khẳng định rằng ai sinh con ra chẳng muốn bảo bọc, che chở cho chúng. Thế nhưng không ít bậc phụ huynh vẫn nhầm lẫn giữa việc quan tâm đến con với việc nuông chiều và lo lắng cho chúng quá mức.
Việc cha mẹ thay con trẻ làm hết mọi việc cho chúng đồng nghĩa đang tước đi những cơ hội để con có thể thể hiện được khả năng của mình. Cũng từ đây, nhiều đứa trẻ trở nên thụ động, ăn bám cha mẹ dù trưởng thành vẫn không ngừng đòi hỏi, hầu như không biết ơn cha mẹ, thậm chí coi sự hỗ trợ của cha mẹ như một lẽ tất nhiên.
Ảnh minh họa.
Theo tiến sĩ tâm lý học Joshua Coleman (Mỹ), cha mẹ nên biết khi nào thì nói không và khi nào nên nói đồng ý với những yêu cầu được giúp đỡ của con. Cha mẹ nên bình tĩnh xem xét việc giúp đỡ con trong trường hợp nào sẽ giúp trẻ trưởng thành, khi nào khiến trẻ trở nên phụ thuộc. Trong trường hợp cha mẹ sẵn sàng để giúp đỡ con cái, hãy làm điều đó bằng tình yêu thay vì đồng ý với lời phàn nàn hay buộc tội. Tuy nhiên, nên cứng rắn và chỉ ra cho con thấy khả năng của mình.
Trong trường hợp không đủ khả năng để giúp đỡ con, hãy sẵn sàng để nói “Không”. Tuyệt đối đừng dốc trọn tiền tiết kiệm cho tuổi già để giúp đỡ con cái. Phụ huynh cũng có thể nói “Không” ngay cả khi đủ khả năng hỗ trợ, nếu thái độ của con thiếu tôn trọng.