Kiểm tra, xử lý vi phạm về đo lường chất lượng hàng hóa tại Hậu Giang
Kiểm tra tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Chất lượng, ghi nhãn, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất
Thông tin từ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hậu Giang, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Hậu Giang đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Thị trường; Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố của 8/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 03/QĐ-TĐC ngày 15 tháng 4 năm 2024 của Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh Hậu Giang.
Đoàn tập trung kiểm tra về đo lường theo quy định tại Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra Nhà nước về đo lường và Thông tư số 10/2022/TT-BKHCN ngày 28 tháng 7 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra Nhà nước về đo lường; Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.
Kiểm tra về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 01/2024/TT-BKHCN ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Kiểm tra về ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ dung một số điều của nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ. Kiểm tra các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 7:2019/BKHCN về thép làm cốt bê tông.
Kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa… Lấy mẫu thử nghiệm khi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Với đối tượng kiểm tra là phương tiện đo nhóm 2; hàng đóng gói sẵn; thép làm cốt bê tông và một số hàng hóa khác có nghi vấn về đo lường, chất lượng. Trong thời gian từ ngày 15 tháng 4 năm 2024 đến ngày 15 tháng 5 năm 2024.
Kết quả kiểm tra, xử phạt
Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 24 cơ sở trong đó có 22 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất và 02 công ty cấp thoát nước trên địa bàn 8/8 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Hậu Giang.
Qua kiểm tra, đa số các cơ sở ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, hàng hóa có thể hiện dấu hợp quy CR và lưu giữ hồ sơ công bố chất lượng theo đúng quy định; sử dụng phương tiện đo nhóm 2 có thực hiện kiểm định định kỳ.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra một số cửa hàng chưa cung cấp được hoặc chưa cập nhật các hồ sơ chất lượng hết hiệu lực và phải công bố lại; một số phương tiện đo nhóm 2 hết hiệu lực kiểm định.
Về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, 106/106 sản phẩm hàng hóa được kiểm tra đạt về ghi nhãn hàng hóa; 96/106 sản phẩm hàng hoá được kiểm tra có lưu giấy chứng nhận hợp quy, hồ sơ công chất lượng sản phẩm. Về đo lường có 03/30 cân đồng hồ các loại hết hiệu lực kiểm định.
Đối với 03 cân đồng hồ lò xo các loại hết hiệu lực kiểm định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vi phạm sang Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ. Thanh tra Sở đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm về sử dụng phương đo hết hiệu lực kiểm định.
Đối với các cơ sở lưu giữ hồ sơ công bố chất lượng chưa đầy đủ hoặc chưa cập nhật các hồ sơ chất lượng hết hiệu lực và phải công bố lại. Đoàn kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở bổ sung hồ sơ gửi về Chi cục theo đúng thời gian quy định.
Qua kiểm tra, cơ quan kiểm tra đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; lưu hồ sơ công bố chất lượng kèm theo sản phẩm khi nhập hàng; sử dụng phương tiện đo nhóm 2 trong việc đảm bảo về đo lường. Qua đó, góp phần nâng cao được nhận thức của cơ sở về các quy định của pháp luật về lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được chú trọng quan tâm góp phần bình ổn thị trường, giúp cân bằng mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, làm giảm các tranh chấp phát sinh trong quá trình lưu thông hàng hóa… tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.
Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh về các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Duy Trinh