Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt

Sự cần thiết phải xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT

Một là, thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt được ban hành đến nay đã gần 5 năm. Thông tư trên đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần bởi các Thông tư: Thông tư số 32/2020/TT-BGTVT ngày 14/12/2020, Thông tư số 01/2022/TT-BGTVT ngày 12/01/2022, Thông tư số 10/2022/TT-BGTVT ngày 23/6/2022. Vì vậy, sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng thống nhất các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nếu tiếp tục xây dựng Thông tư theo hình thức sửa đổi, bổ sung;

Hai là, việc xây dựng thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đường sắt trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại văn bản số 4639/BGTVT-PC ngày 08/5/2023 về việc tiếp tục triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT năm 2023, Cục ĐKVN đã có văn bản gửi Bộ GTVT trong đó có đề xuất cắt giảm một số thiết bị trong danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT, chỉ giữ lại một số thiết bị liên quan trực tiếp đến an toàn và đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia viện dẫn. Do đó, trong dự thảo Thông tư quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt cần xem xét cắt giảm một số thiết bị không thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT, chỉ giữ lại một số thiết bị liên quan trực tiếp đến an toàn và đồng bộ với Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT.

Ba là nội dung dự kiến của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT sẽ sửa đổi 15 điều/18 điều so với Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018, bổ sung 02 điều so với Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT, do đó cấu trúc của Thông tư sẽ bị thay đổi.

 Ảnh minh hoạ

Bốn là, việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT còn để xử lý một số vấn đề bất cập như: Hồ sơ đăng ký kiểm tra trước đây quy định “Báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm của phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện của nhà sản xuất hoặc tổ chức thử nghiệm” là chưa rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, cần thiết phải quy định cụ thể về thành phần của hồ sơ đăng ký kiểm tra.

Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 quy định thủ tục hành chính “Cấp Giấy chứng nhận, tem kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt”. Tuy nhiên, thủ tục hành chính này được áp dụng đối với nhiều đối tượng phương tiện giao thông đường sắt khác nhau như: đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng, toa xe đường sắt đô thị. Ngoài ra, ứng với mỗi đối tượng phương tiện lại áp dụng các loại hình kiểm tra khác nhau như: nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, hoán cải, định kỳ tương ứng với nội dung, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra khác nhau. Từ đó dẫn tới khó khăn trong việc triển khai áp dụng trong thực tế, đặc biệt là đối với kiểm tra toa xe đường sắt đô thị nhập khẩu.

Chu kỳ kiểm tra đối với một số loại phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng, phương tiện đường sắt đô thị còn chưa hợp lý cần thiết phải xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục, yêu cầu không cần thiết, trong dự thảo Thông tư cần xem xét bổ sung hình thức nộp hồ sơ đăng kiểm điện tử, rút ngắn trình tự kiểm tra, cấp giấy chứng nhận của Cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra chỉ tiến hành kiểm tra khi phương tiện đã hoàn thành sản xuất, lắp ráp hoặc đã được nhập khẩu về Việt Nam hoặc đã được sửa chữa các cấp, không như trước đây là kiểm tra một số công đoạn của quá trình sản xuất, lắp ráp hoặc sửa chữa phương tiện. Chính vì vậy cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân khai trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan trong quá trình sản xuất, lắp ráp, hoán cải hoặc sửa chữa phương tiện.

Từ các lý do nêu trên dẫn đến cần thiết phải xem xét, cập nhật lại các thủ tục hành chính về thành phần hồ sơ, trình tự, cách thức thực hiện; nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ kiểm tra của một số loại phương tiện còn chưa hợp lý; phân khai trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT và các Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đảm bảo quy định phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá

Mục đích xây dựng thông tư là nhằm tuân thủ, cụ thể hóa quy định của Luật Đường sắt 2017 về kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt cho từng loại hình kiểm tra nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, hoán cải, định kỳ. Đảm bảo phù hợp và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-GTVT nhằm giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quan điểm xây dựng thông tư là tuân thủ quy định của pháp luật về đường sắt, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các quy định trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-GTVT phải cụ thể, chi tiết, khả thi để có thể thi hành ngay. Kế thừa những nội dung của Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-GTVT đang thực hiện ổn định và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích