Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 2,3 tỷ đồng ở Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Khánh Hòa
(Xây dựng) – Kiểm toán Nhà nước vừa có thông báo kết quả kiểm toán tại Ban Quản lý dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Khánh Hòa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai sót từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu, thanh quyết toán tại dự án.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị được giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án WB8 tỉnh Khánh Hòa. |
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 224 tỷ đồng
Theo đó, tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Khánh Hòa thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1808/QĐ-UBND ngày 22/6/2018 với tổng mức đầu tư dự án là 224,648 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 212,732 tỷ đồng tương đương 9.460.000 USD (Trong đó phần cấp phát là 60%, vay lại là 40%) và vốn đối ứng là 11,916 tỷ đồng.
Quy mô nội dung đầu tư Tiểu dự án gồm: sửa chữa, nâng cấp đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước đảm bảo các yêu cầu về an toàn đập của Nhà tài trợ và nâng cấp đường thi công kết hợp quản lý, sửa chữa hoặc xây mới nhà quản lý phục vụ công tác quản lý, vận hành 08 công trình hồ chứa nước (gồm: Suối Trầu, Đồng Bò, Láng Nhớt, Cây Sung, Đá Mài, Suối Luồng, Suối Lớn, Bến Ghe).
Mục tiêu chính của Dự án nhằm mục đích khôi phục và đảm bảo an toàn công trình thông qua sửa chữa, nâng cấp các hồ đập đã bị xuống cấp hoặc thiếu năng lực xả lũ; cải thiện thể chế, chính sách về quản lý, giám sát an toàn đập, tăng cường năng lực quản lý, vận hành và cơ chế thông tin phối hợp trên lưu vực; nâng cao năng lực quản lý và thực thi dự án, quản lý môi trường, xã hội.
Công tác quản lý chất lượng công trình, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế còn nhiều sai sót
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác quản lý chất lượng công trình, thẩm định, phê duyệt thiết kế. Cụ thể, chủ đầu tư không thoả thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, nhật ký thi công các gói thầu xây lắp chưa thể hiện rõ thiết bị do nhà thầu thi công xây dựng huy động để thực hiện thi công tại hiện trường chưa đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng.
Nhà thầu cũng chưa lập và trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình (Công trình thi công xây lắp – Sửa chữa, nâng cao an toàn đập 04 hồ chưa gồm Suối Trầu, Bến Ghe, Suối Luồng, Suối Lớn và bảo hiểm công trình).
Ngoài ra, công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công một số hạng mục công trình không phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm thi công dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; phải tiến hành điều chỉnh chiều cao mái thượng lưu đập, điều chỉnh rãnh thu nước, bổ sung tường chắn sóng, thay đổi cơ cấu hoạt động của thiết bị cơ khí từ phương án trục vít nổi sang phương án trục vít chìm lắp đặt trên cửa van, bổ sung gia cố mái phía hạ lưu…
Mặt khác, khối lượng gia công chế tạo kết cấu thép Cơ khí thủy công (van phẳng, khe van…) tính cả trong lượng mối hàn là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn đo bóc khối lượng.
Công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều sai sót
Trong thông báo kết luận, Kiểm toán Nhà nước cho rằng các bên có liên quan chưa rà soát hết khối lượng công việc của hợp đồng theo thiết kế bản vẽ thi công đã được điều chỉnh, bổ sung để chính xác khối lượng công việc và điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh giảm giá hơn 2004,9 triệu đồng. Qua kiểm toán, còn phát hiện sai sót về công tác nghiệm thu, thanh toán dẫn đến phải giảm chi phí đầu tư gần 367 triệu đồng.
Như vậy, quá trình thực hiện dự án đầu tư trên của chủ đầu tư còn để xảy ra tồn tại, hạn chế phải giảm trừ chi phí đầu tư theo kết quả kiểm toán, ảnh hưởng đến tính kinh tế của dự án. Bên cạnh đó, do tồn tại trong công tác thiết kế, dự toán, nghiệm thu thanh toán, quản lý tiến độ công trình đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án này.
Kiến nghị xử lý tài chính hơn 2,3 tỷ đồng
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán; phối hợp với nhà thầu kiểm tra, thu hồi vật tư nếu còn giá trị sử dụng.
Hồ Láng Nhớt là một trong 08 công trình hồ chứa nước thuộc tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Khánh Hòa (ảnh: iscwb8.com.vn). |
Cùng với đó, điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Phải xử lý về tài chính hơn 2,37 tỷ đồng, trong đó, giảm giá trị thanh toán hơn 2 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng hơn 366 triệu đồng.
Liên quan đến nội dung này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2022.
Nguồn: Báo xây dựng