Kiểm soát tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp
Hệ thống pháp luật hiện hành, bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng chưa giải quyết được vấn đề sở hữu chéo, nên cần thiết phải rà soát đồng bộ để thắt chặt, hạn chế hơn đối với những vụ việc quy mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính. Theo ghi nhận thời gian gần đây, tình trạng các ngân hàng thương mại (NHTM) thao túng dòng tiền để cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS), đặc biệt là các doanh nghiệp “sân sau” đang ngày càng phổ biến. Đa số các khoản vay này đều thiếu tính minh bạch, không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng chính dự án đầu tư mà doanh nghiệp BĐS đang triển khai. Điển hình cho tình trạng này quan hệ của Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Khi thị trường BĐS chững lại, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thanh khoản dẫn đến nợ xấu tăng cao. Điều này khiến hoạt động kinh doanh của ngân hàng gặp nhiều rủi ro.
Sở hữu chéo ngân hàng: Những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: KTMT
Dù đã được hoàn thiện thêm một bước, song Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo) vừa được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn, đặc biệt với quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ý kiến trên của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát các luật có liên quan để xử lý vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
Nhưng, với riêng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo vẫn khiến các vị đại biểu lo ngại.
Dự thảo mới nhất đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm…
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), những điều chỉnh này “không phải là quan trọng lắm, mà quan trọng cốt lõi là làm sao giám sát được trường hợp ông chủ của các ngân hàng là doanh nghiệp lớn”.
Cũng nêu ý kiến về sở hữu chéo, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, yêu cầu của Quốc hội không chỉ là xử lý, mà phải chấm dứt tình trạng sở hữu chéo ngân hàng.
“Qua vụ việc của SCB cũng như đánh giá thực trạng một số ngân hàng hiện nay, tôi cho rằng, sở hữu chéo, chi phối, thao túng đối với tổ chức tín dụng tạo ra những rủi ro, đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách cần xử lý một cách triệt để”, ông An phát biểu.
Tình trạng này, ông An lo ngại, nếu chỉ dùng các công cụ như Dự thảo thiết kế thì là lấy hữu hình để trị vô hình, nên hiệu quả sẽ không cao.
“Cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, luật cần phải xây dựng khung khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho hoạt động của ngân hàng”, ông An đề nghị.
Cụ thể hơn, vị đại biểu Đồng Nai góp ý, cần quy định rõ hai vấn đề.
Một là, minh bạch thông tin về tất cả cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại.
Hai là, phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) góp ý thêm một cơ chế, đó là Ngân hàng Nhà nước cần có một báo cáo đánh giá về mức độ rủi ro trong sở hữu chéo và công bố hàng năm.
“Những công bố của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp nhân dân và doanh nghiệp biết được, từ đó có những thông tin để phản biện lại. Trong mọi trường hợp, nếu việc giám sát hoạt động kinh tế dựa vào nhân dân, doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả”, ông Thịnh lập luận.
Nhấn mạnh Dự thảo có tính đặc thù cao, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị hạn chế tối đa những nội dung giao quyền lại cho Ngân hàng Nhà nước cũng như Thống đốc quy định, bởi việc giao quyền này dễ dẫn đến tùy nghi, lạm quyền và khó kiểm soát.
Giải trình ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rằng, để đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, cần phải có một loạt giải pháp mới xử lý được, mà quan trọng nhất là tổ chức thực hiện.
“Qua những sự việc vừa qua, chúng tôi rút kinh nghiệm để có thể có những giải pháp xử lý sở hữu chéo. Tuy nhiên, riêng ngành ngân hàng cũng chưa đủ, bởi vì, nếu cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên, thì việc thao túng cũng không thể xử lý được. Cho nên, cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ. Chỗ này lại đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Bà Hồng cũng nhất trí với quan điểm của đại biểu là cần minh bạch thông tin để xác thực được các cổ đông là ai và có liên quan thế nào với các doanh nghiệp là khách hàng.
Theo báo cáo Nghiên cứu Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mới công bố của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các ngân hàng thiếu sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động tín dụng. Sự lỏng lẻo trong quản trị nội bộ, cơ chế cho vay và sự can thiệp từ các lãnh đạo cấp cao là những nguyên nhân tiềm ẩn khiến các khoản vay không đủ điều kiện vẫn được duyệt. Đặc biệt, tình trạng “thân quen” giữa lãnh đạo ngân hàng và chủ doanh nghiệp BĐS càng làm méo mó thêm môi trường kinh doanh.
Luật các tổ chức tín dụng đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, còn trên thực tế, các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại Luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng.
Việc tiếp tục quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ 5% xuống 3% vốn điều lệ, sở hữu của một cổ đông từ tổ chức, giảm từ 15% xuống 10%, hay nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15% tại Dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng vì thế sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.
Trước thực tế này, các chuyên gia Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng cần có giải pháp quyết liệt từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như hoạt động nội bộ của ngân hàng. Cụ thể:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên giám sát sát sao hơn đối với các ngân hàng thương mại. Việc rà soát chặt chẽ hồ sơ, tính minh bạch và hiệu quả của các khoản cho vay sẽ giúp kịp thời phát hiện các sai phạm. Ngoài ra, việc ban hành các chế tài xử lý vi phạm cũng cần được thực hiện mạnh mẽ, kịp thời.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm soát nội bộ nhằm tránh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, làm ngơ trước các khoản vay của doanh nghiệp “sân sau”. Quy định rõ ràng các trường hợp xung đột lợi ích liên quan đến hoạt động tín dụng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý.
Thứ ba, bên cạnh quy định chặt chẽ hơn đối với các khoản vay BĐS, các ngân hàng cần bám sát diễn biến thị trường, có các chiến lược lãi suất hợp lý để giảm thiểu rủi ro. Việc đẩy mạnh cho vay theo hướng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng cần xem xét.
Như vậy, vấn đề thắt chặt kiểm soát đối với hệ thống ngân hàng đang là việc cấp bách cần triển khai đồng bộ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống tài chính, đảm bảo hoạt động ổn định lâu dài cho nền kinh tế.
Theo nghị trình, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ sáu này. Tuy nhiên, đây là dự án luật khó, hiện Dự thảo còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, nên rất cần có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, chuẩn bị kỹ lưỡng để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật vào kỳ họp sau.
Nguồn: hoanhap.vn