Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản: Có ảnh hưởng người mua nhà ở?
(TN&MT) – Một số ngân hàng thương mại đang tạm dừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực cho vay bất động sản (BĐS). Điều này đang tác động lớn đến tâm lý của người dân có nhu cầu mua nhà để ở.
Ngân hàng đóng chặt cửa hoạt động đầu cơ BĐS
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, giá BĐS tại nhiều địa phương thời gian gần đây đã không ngừng tăng. Sốt đất diễn ra khắp nơi khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này. Riêng quý I/2022, nguồn vốn cho vay mua BĐS tại các ngân hàng đã tăng hơn 5%, gấp 2, 3 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Để ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng ồ ạt, một số ngân hàng vừa phải chỉ đạo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay vào lĩnh vực này.
Ngân hàng Agribank cho biết, dù không siết chặt nhưng cũng hạn chế cho vay đối với kinh doanh BĐS. Agribank sẽ tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chỉ cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân. Nhiều ngân hàng lớn khác cũng đang thực hiện chính sách chỉ hỗ trợ vay với người mua để ở, hạn chế các hoạt động đầu cơ, đầu tư nhà đất. Đơn cử, Ngân hàng Techcombank cũng thông báo sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua BĐS, kể cả các BĐS đã có giấy chứng nhận.
Trao đổi với báo chí, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết, tín dụng BĐS có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống 11,89% năm 2020. Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn, các dự án BOT, BT giao thông.
Năm 2022, NHNN sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Với lĩnh vực BĐS, ngân hàng tạo điều kiện cho BĐS nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ BĐS đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao.
T.S kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, việc ngân hàng tạm dừng giải ngân ở lĩnh vực này là chính sách riêng biệt, nội bộ của từng tổ chức tín dụng. Về chính sách điều hành chung, NHNN chỉ có chủ trương kiểm soát chặt hoạt động cho vay BĐS mà không dừng hoàn toàn. Đồng thời, cũng yêu cầu các ngân hàng dành ra một tỷ lệ nhất định (không được vượt quá 8%) trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro.
Nên siết có chọn lọc
Việc NHNN siết tín dụng BĐS đã có lộ trình từ năm 2016. Với chính sách kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng giảm (năm 2018 26,76%; năm 2019 là 21,53%) và giảm mạnh trong năm 2020 (9,97%). Tuy nhiên, không có nghĩa là ngân hàng sẽ đóng cửa với BĐS, bởi thực tế, số lượng người vay vốn để đầu cơ BĐS hiện không nhiều, nhất là đầu cơ mua đất bởi đây là khoản đầu tư dài hạn, nhiều rủi ro về thanh khoản và giá cả.
Phần lớn những người vay vốn mua BĐS đều có nhu cầu mua nhà để ở, trong đó chủ yếu là mua chung cư và thế chấp bằng chính tài sản đó. Do vậy, các ngân hàng sẽ siết tín dụng BĐS một cách chọn lọc, không hoàn toàn khóa van tín dụng BĐS. Bởi nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp khó, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trong xu hướng siết tín dụng chảy vào BĐS, người vay mua nhà để ở có thể bị ảnh hưởng, bởi lãi suất cho vay dự kiến cao hơn và việc giải ngân sẽ khó hơn. BĐS có thể là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp và nếu vay mua nhà để ở thường là người có nhu cầu thật, nhưng trong bối cảnh dòng vốn được NHNN định hướng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch thì tín dụng nhà, đất sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, để không “đứt gãy” dòng vốn, NHNN cần có những cơ chế cho vay ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiêp đang phát triển các dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (1 – 2 tỷ đồng/căn) dành cho nhu cầu ở thực. Cùng đó, cần khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tín dụng tiêu dùng mua nhà dành cho khách hàng cá nhân mua nhà lần đầu, mua nhà để ở chứ không phải để đầu cơ.