Kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ gần khu công nghiệp
Kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ gần khu công nghiệp
Dù biết thực phẩm tại chợ cóc, chợ dân sinh gần các khu công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh, nhưng nhiều gia đình công nhân vẫn chấp nhận mua tại đây.
Chấp nhận mua thực phẩm không đảm bảo
Gần 9 giờ sáng ngày 6.11, chị Lê Thị Hiền (thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) nhờ chủ nhà trọ trông con rồi đạp xe ra chợ cóc gần nhà mua đồ. Thấy chúng tôi, chị Hiền hồ hởi, rủ đi cùng, chỉ vào ngày chủ nhật nữ công nhân này có thời gian rảnh để mua đồ ăn cho gia đình.
Chị Hiền dừng xe tại một hàng thịt lợn ven chợ Mun (xã Kim Chung), bà chủ thấy khách, vội lật mảnh vải cũ mèm, dính đủ loại bụi đang che chắn những miếng thịt trên bàn, niềm nở mời chào.
Do đây là cửa hàng quen, chị Hiền dễ dàng mua được một miếng thịt lợn phần vai về nấu cho bữa trưa. Tuy nhiên, chị nói nhỏ với PV: “Thịt lợn liệu có đảm bảo không thì tôi không dám chắc. Mua ở đây lâu rồi, ăn cũng thấy thịt ngon thì tin và tiếp tục mua thôi”.
Vào những ngày thường, trên đường đi làm về, nữ công nhân cũng tranh thủ ghé qua chợ để mua thức ăn. Những lần đó, do thời gian gấp nên chị Hiền chỉ mua 3-4 lạng thịt lợn và ít rau. Thịt lợn được thái nhỏ để rang; còn rau thì luộc để gia đình nhanh chóng ăn cơm.
Theo tính toán của chị Hiền, mỗi một ngày đi chợ, chị phải tiêu ít nhất 100.000 đồng, nhiều hơn là 200.000-300.000 đồng. Ngoài ra, chị phải thường xuyên mua đồ riêng để bồi bổ cho 2 con đang tuổi lớn.
“Vợ chồng tôi chỉ cần vài miếng thịt hay đậu, trứng, chút rau là xong bữa nhưng các cháu phải được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng” – chị Hiền tâm sự.
Thu nhập một tháng của chị Hiền hiện khoảng 6-7 triệu đồng, riêng tiền ăn đã chiếm 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn phải trả tiền thuê nhà (gần 1 triệu đồng/tháng). Tính ra, tiền lương của nữ công nhân này chỉ đủ để trả tiền nhà, tiền ăn và một số khoản sinh hoạt khác.
Điều chị Hiền lo lắng nhất là chất lượng thực phẩm. Người mẹ 2 con này cũng thường xuyên mua rau của một người hàng xóm nên khá yên tâm, nhưng mỗi khi phải mua rau ở chợ, chị cũng chỉ biết tặc lưỡi, mong rằng rau “sạch” – không còn tồn dư các loại hoá chất…
“Công nhân thuê trọ, thu nhập lại thấp như chúng tôi không thể hàng ngày vào siêu thị để mua đồ vì đồ ở đó đắt hơn ngoài chợ cóc. Chợ cóc rất khó kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, nhưng giá rẻ hơn, tiện lợi hơn. Chỉ cầu trời không phải ăn nhiều thực phẩm độc hại để dẫn đến nguy cơ bệnh tật sau này”, chị Hiền nói.
Tự trồng rau hoặc mua thực phẩm từ quê
PV đến hỏi chuyện khi hai mẹ con chị Đỗ Thị Kim Duyên (SN 1986) quê huyện Thanh Ba, Phú Thọ đang chuẩn bị bữa trưa.
Bước vào dãy trọ của chị Duyên, chúng tôi thấy ngay 4 thùng xốp trồng đủ các loại rau từ rau cải, rau muống, hành lá, tía tô… được xếp ngay ngắn cạnh phòng trọ. Chị Duyên cho biết 4 tháng trước, chị đã tận dụng những thùng xốp bỏ đi để trồng các loại rau này.
“Thời buổi giá cả tăng chóng mặt, cái gì cũng đắt nên tôi tranh thủ thời gian rảnh trồng ít rau. Bây giờ gia đình tôi gần như không phải đi chợ mua rau nữa. Còn các loại thịt bò, thịt lợn thì nhờ người nhà mua ở quê gửi xe khách lên. Sau đó, tôi để ngăn đá tủ lạnh dùng dần. Tuy không tươi nhưng sạch và rẻ hơn ở Hà Nội”, chị Duyên tâm sự.
Chồng chị Duyên làm công trình xây dựng, vắng nhà liên tục, trung bình mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập trên 10 triệu đồng. Thu nhập của vợ chồng chị Duyên đã ở mức khá hơn so với nhiều gia đình công nhân khác, thế nhưng nữ công nhân cho biết dù muốn bữa ăn đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cho con chị cũng không có cách khác tốt hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Khang – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) – cho biết, trên địa bàn xã có một chợ chính thức là chợ Mun; ngoài ra, mỗi thôn có một chợ “cóc” (xã có 3 thôn). Đối với mặt hàng rau, đa số là do người dân tự trồng, mang ra bán. Theo ông Khang, trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm hoặc tuỳ theo chương trình, UBND xã đã tiến hành kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các chợ này.
“Tuy nhiên, do không có máy kiểm nghiệm, đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra bằng mắt thường, phát hiện những vi phạm về hạn sử dụng, tem nhãn, tem phụ…” – ông Khang nói.
ông Khang cho biết thêm, tại những lần kiểm tra, cũng do không kiểm nghiệm thực phẩm mà chủ yếu là kiểm tra bằng mắt thường, nên rất khó xử phạt; đoàn kiểm tra chủ yếu là nhắc nhở, hướng dẫn người dân bán thực phẩm làm đúng theo quy định về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị