Kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại Thanh Hóa và Quảng Ngãi

Tại Thanh Hóa, một tỉnh có truyền thống nông nghiệp mạnh, có tới 18 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 11 doanh nghiệp gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV và 2.248 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Tại các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, các mặt hàng được bày bán bao gồm những sản phẩm được sản xuất bởi những doanh nghiệp có thương hiệu và cả sản phẩm của doanh nghiệp còn khá mới mẻ, xa lạ với người tiêu dùng.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa kiểm tra chất lượng sản xuất phân bón tại một doanh nghiệp. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Do đó, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đặt ra không ít thách thức. Sự phong phú về chủng loại sản phẩm tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn, gây khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp và chất lượng.

Nỗi lo sợ hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ dừng lại ở thất thoát về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khỏe con người.

Bà Lê Thị Xuyến ở phố 2, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào đất lúa và 2 sào đất trồng màu nên nhu cầu sử dụng các loại phân bón tới vài tạ mỗi vụ. Hiện nay, thị trường phân bón và thuốc BVTV rất phong phú về chủng loại và giá cả, tôi không biết chọn lựa sản phẩm nào đem lại hiệu quả cho cây trồng. Vì vậy, khi mua các sản phẩm, tôi thường đến cửa hàng quen và chọn mua những sản phẩm có thương hiệu”.

Chính vì vậy, sự vào cuộc của các ngành chức năng là hết sức quan trọng. Trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra và xử lý 18 cơ sở vi phạm. Tổng số tiền xử phạt gần 3.111,6 triệu đồng; thu hồi tái chế 32,14 tấn phân bón; 160 lít và 60kg thuốc BVTV, qua đó góp phần làm sạch thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc BVTV không chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho người sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định nếu phát hiện các cơ sở vi phạm.

Với nông dân, nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón, bà con nên dùng thử cho những loại rau ngắn ngày bởi chỉ 5 – 7 ngày là có thể biết được kết quả. Khi bón phân nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác, để khi xảy ra sự cố vẫn giữ được bằng chứng, vật chứng. Đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện, nghi ngờ cửa hàng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Ở một diễn biến liên quan, vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được phản ánh mạnh mẽ tại tỉnh Quảng Ngãi, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã khởi tố đối tượng Nguyễn Đức Đề (47 tuổi, thường trú tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) là Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Đức về hành vi sản xuất, buôn bán trên 271 tấn phân bón giả bị người dân phản ánh, gây cháy lá cây nông nghiệp và hoa màu làm thiệt hại quá trình canh tác. Sự việc này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý chất lượng sản phẩm trong ngành nông nghiệp.

Kiểm tra kho phân bón giả của Công TNHH MTV Việt Đức. Ảnh: BCA.

Để đối phó với tình trạng này, người nông dân cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để nhận biết và lựa chọn sản phẩm chất lượng, từ đó giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa hiệu quả sản xuất. Đồng thời, sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước và sự tự giác từ phía doanh nghiệp là chìa khóa để xây dựng một thị trường phân bón, thuốc BVTV minh bạch và lành mạnh.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích