Kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cần bảo đảm tuân thủ 5 nguyên tắc
Kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cần bảo đảm tuân thủ 5 nguyên tắc
Việc kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cần tuân thủ 5 nguyên tắc và thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải, số liệu thu thập liên tục, không gián đoạn…
Tuân thủ nguyên tắc độc lập, công bằng
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2023 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh (KNK), kiểm kê KNK ngành Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/02/2024.
Thông tư số 38/2023/TT-BCT áp dụng đối với các cơ sở phát thải KNK phải kiểm kê KNK theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK ngành Công Thương theo quy định của pháp luật.
Đồng thời cũng áp dụng cho các cơ sở không thuộc danh mục cơ sở phát thải KNK phải kiểm kê KNK theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được khuyến khích áp dụng quy định tại Thông tư này.
Thông tư số 38/2023/TT-BCT nêu rõ nguyên tắc thực hiện kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK. Trong đó, kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK cần tuân thủ các nguyên tắc:
(1) Tính đầy đủ: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải KNK, các nguồn hấp thụ KNK. Số liệu được thu thập liên tục, không bị gián đoạn;
(2) Tính nhất quán: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê KNK, phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải KNK;
(3) Tính minh bạch: Các tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn, được lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác cao;
(4) Tính chính xác: Tính toán kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch;
(5) Tính so sánh được: Kết quả kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK của một cơ sở, lĩnh vực đảm bảo các điều kiện về số liệu, phương pháp luận có tính tương đồng để có thể so sánh được.
Bên cạnh đó, việc thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cũng cần tuân thủ các nguyên tắc về tính độc lập như: Duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá; về tính công bằng như: Đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch.
Quy trình và phạm vi kiểm kê
Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định rõ quy trình kỹ thuật kiểm kê KNK theo cấp lĩnh vực và theo cấp cơ sở. Trong đó, đối với quy trình kỹ thuật kiểm kê KNK cho cả 2 cấp này đều phải tuân thủ 8 nội dung: Xác định phạm vi kiểm kê KNK; Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê KNK; Lựa chọn hệ số phát thải KNK; Xác định phương pháp kiểm kê KNK; Thực hiện kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê KNK; Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê KNK; Tính toán lại kết quả kiểm kê KNK; và xây dựng Báo cáo kiểm kê KNK.
Đối với phạm vi kiểm kê KNK cấp lĩnh vực, thực hiện kiểm kê KNK lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm thuộc ngành Công Thương.
Đối với phạm vi kiểm kê KNK cấp cơ sở, được thực hiện đối với các nguồn phát thải thuộc phạm vi quản lý của cơ sở. Trong đó, đối với nguồn phát thải trực tiếp gồm: Phát thải từ nguồn cố định gồm hoạt động đốt nhiên liệu trong các thiết bị lắp đặt cố định như nồi hơi, lò nung, đầu đốt, turbin, lò sưởi, lò đốt…;
Phát thải từ nguồn di động gồm hoạt động đốt nhiên liệu của các thiết bị vận tải; Phát thải từ các quá trình công nghiệp gồm phát thải từ các quá trình vật lý hoặc hóa học tạo ra KNK trong dây chuyền sản xuất của cơ sở; Phát thải do phát tán từ trong máy móc, thiết bị hoặc trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản..;
Phát thải KNK là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh môi chất lạnh; Phát thải từ thu gom, quản lý và xử lý chất thải.
Đối với nguồn phát thải gián tiếp gồm: Phát thải do tiêu thụ năng lượng điện; Phát thải do sử dụng năng lượng hơi.
Điểm đáng chú ý, trong danh mục số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê KNK cấp lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, ban hành kèm theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT, 2 loại chất thải là chất thải đô thị có thành phần có nguồn gốc hóa thạch và chất thải công nghiệp có thành phần có nguồn gốc hóa thạch, đều phải thực hiện kiểm kê phát thải KNK…
Trước đó, tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải” tổ chức tại Bộ Xây dựng ngày 22/12/2023, ông Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Bộ Công Thương cho biết, theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30 – 40% phát thải KNK so với kịch bản BAU của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải KNK phải kiểm kê KNK theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải KNK cho các ngành công nghiệp…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị